Quả tầm bóp "gây sốt" với người Việt vì được đóng gói bán ở Nhật Bản với giá lên tới 700.000 đồng/kg, đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,....
Nguyên nhân loại quả này có giá đắt đến vậy là vì những công dụng tuyệt vời của nó.
Theo Đông y, tầm bóp có tính mát nên thường dùng trị cảm sốt, sưng đau yết hầu, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc, hoặc giải nhiệt, trị mụn.
Nhiều bài thuốc dân gian cho thấy, cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày, rễ tươi nấu với tim lợn dùng ăn chữa được chứng đái đường.
Ngoài ra, ngọn của cây tầm bóp còn được sử dụng như rau, hương vị rất lạ, hơi đắng nhưng thanh và mát. Rau tầm bóp có thể luộc, nấu, hay xào với thịt. Ăn rau tầm bóp có thể giúp làm mát cơ thể, giảm nóng trong, mụn nhọt.
Riêng về quả tầm bóp, có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ bọc mỏng, giống hình lồng đèn nên ở một vài nơi, tầm bóp còn được gọi là cây đèn lồng hay thù lù cạnh.
Khi chín quả sẽ có màu đỏ rất đẹp, vị hơi chua, có thể chế biến làm mứt, thậm chí làm thuốc chữa bệnh. Lớp vỏ như lồng đèn bên ngoài khô lại, bóp nghe rất vui tai.
Quả tầm bóp có tác dụng rất tốt trong việc giải nhiệt, chữa các bệnh về thận, bài tiết, chữa ho, tiêu đờm,…
Tuy nhiên, quả tầm bóp dễ bị nhầm lẫn với quả lu lu đực có độc. Bề ngoài của cây nhìn khá giống nhau, nhưng quả lu lu đực khi chín có hình cầu, đường kính từ 6 - 8 mm, thường màu tím đen hoặc đen, đôi khi có màu đỏ.
Mặc dù được xếp vào hàng cây có độc do chứa các hoạt chất alkaloid như: Steroid, solanine, solasonine, solamargine, chaconine, nhưng lượng độc tố này không đủ mạnh để gây chết người và các biến chứng nguy hiểm.
Chỉ có điều quả lu lu cần được chế biến kỹ lưỡng trước khi sử dụng chứ không ăn được ngay như quả tầm bóp.
Ngọc QuỳnhBạn đang xem bài viết Loại cây ở Nhật bán 700.000 đồng/kg, mọc đầy ở Việt Nam, cho chẳng ai lấy tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].