Liệu pháp tâm lý trong điều trị ung thư: Bệnh nhân ung thư không thể ‘chiến đấu một mình’

Nói tới điều trị ung thư, phần lớn đều nghĩ tới hóa, xạ trị mà không biết rằng liệu pháp tâm lý cũng có vai trò vô cùng quan trọng nhưng đang bị xem nhẹ, đôi khi "lãng quên".

Nhiều bệnh viện đã chú trọng hơn đến tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh ung thư

Nhiều bệnh viện đã chú trọng hơn đến tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh ung thư

Trong một số nghiên cứu chỉ ra, có tới 82% người bệnh có nhu cầu được tư vấn tâm lý để giải tỏa lo âu, trầm cảm. Và có tới quá nửa số bệnh nhân ung thư mắc phải chứng rối loạn tâm thần.

Lí giải cho con số đó, nhiều bác sĩ cho rằng, hiện nay, mọi người vẫn quan niệm ung thư như ‘án tử’ chực sẵn. Chính vì vậy, khi bị chẩn đoán mắc bệnh, phần lớn bệnh nhân, người nhà người bệnh rơi vào trạng thái suy sụp, hoang mang, đôi khi dẫn tới trầm cảm, rối loạn tâm thần.

Theo các bác sĩ ung bướu chia sẻ, nhiều người khi biết tin mắc ung thư gặp phải tình trạng căng thẳng, chán ăn, đôi khi tìm đến các hành vi tiêu cực. Cá biệt, có những người tự tử vì không chịu nổi áp lực bệnh tật.

Chính những rối loạn tâm lý ấy đã ảnh hưởng không chỉ tới chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn tác động không nhỏ tới quá trình điều trị ung thư. Theo BS CKI Đỗ Tuyết Mai – Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Thu Cúc chia sẻ, khi người bệnh lo lắng, chán ăn sẽ dẫn tới suy kiệt sức khỏe, bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng nhiều tác dụng phụ hơn như giảm bạch cầu, giảm hồng cầu. Từ đó, họ không theo kịp phác đồ điều trị gây ảnh hưởng tới kết quả và thời gian chữa bệnh.

Bên cạnh đó, từ tâm lý bất ổn, nhiều bệnh nhân tin theo những lời đồn thổi, những phương pháp điều trị phản khoa học. Thực tế chỉ ra, nhiều thông tin như nuốt mật cóc, ăn thạch sùng… dù không có cơ sở nhưng không ít người tin và làm theo. Cùng với niềm tin mù quáng là những kết quả trả giá rất đau lòng, bệnh nhân chuyển nặng hoặc tử vong.

Untitled-2

Song song đó, theo bác sĩ Mai, một tâm lý khá phổ biến ở người ung thư là tâm lý giấu bệnh. Nhiều người nhà và bệnh nhân giấu bệnh để tránh gây ra các cú sốc, sự xáo trộn trong cuộc sống đối phương. Tuy nhiên, ẩn sau điều đó là sự ảnh hưởng rất lớn tới kết quả chữa trị bệnh.

"Nó không chỉ kéo dài thời gian ủ bệnh mà có thể cướp đi những cơ hội vàng trong điều trị ung thư, nhất là với những người mắc ung thư giai đoạn đầu. Thực tế cũng cho thấy, có những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư giai đoạn đầu nhưng không theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà quay về uống thuốc nam. Đến khi quay lại bệnh viện thì đã quá muộn, bệnh chuyển nặng và tế bào ung thư di căn".

Trước sự cấp thiết cần có, liệu pháp tâm lý ung thư ra đời và ngày càng được chú trọng. Trên Thế giới, nhiều quốc gia khuyến khích bệnh nhân ung thư làm những bài test để xác định mức độ khủng hoảng tâm lí. Từ đó khuyên người bệnh tìm cho mình một nhà trị liệu tư vấn phù hợp.  

Riêng ở Việt Nam, nhiều bệnh viện bắt đầu phổ biến tư vấn tâm lý cho bệnh nhân hơn. Thể hiện rõ nhất là không gian bệnh viện thay đổi theo hướng thân thiện, thoải mái hơn. Nhiều hội nhóm, hoạt động ung thư đã được tổ chức. Ngoài việc tạo sân chơi, nơi chia sẻ cho những người đồng cảnh, các bệnh viện còn mở các hội thảo chia sẻ kiến thức chăm sóc, chữa trị ung thư.

Theo bác sĩ Mai, mặc dù chưa có bằng chứng chứng minh liệu pháp tâm lí làm giảm nguy cơ, điều trị hoặc kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư. Nhưng bác sĩ cho rằng, can thiệp về tâm lý góp phần giúp người bệnh cảm thấy lạc quan hơn và chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn.

"Khi bệnh nhân giữ vững được tinh thần, sức khỏe, họ sẵn sàng theo được những liệu trình điều trị tốt. Họ cũng ít bị tác dụng phụ, từ đó được điều trị theo đúng chu kì đưa tới hiệu quả tối đa".

Thông qua các buổi tư vấn, bác sĩ chia sẻ những phương pháp tập luyện thư giãn, giáo dục kiến thức bệnh, hỗ trợ hội nhóm, đôi khi là thuốc điều trị trầm cảm cho người bệnh.

Nhiều bệnh viện chú trọng đến không gian thân thiện, cởi mở

Nhiều bệnh viện chú trọng đến không gian thân thiện, cởi mở

Theo bác sĩ Mai, trên thực tế, liệu pháp tâm lý trong điều trị ung thư là sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ – bệnh nhân – gia đình. Ở đây, bác sĩ có vai trò giải thích cho người bệnh, người thân của họ về bệnh cũng như khả năng điều trị.

Từ đó trấn an lo lắng, thuyết phục bệnh nhân bình tĩnh đối mặt bệnh tật và phối hợp theo phương pháp điều trị. Song song trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn những bất thường để bệnh nhân hiểu và không lo lắng.

"Nhiều khi tôi phải giải thích những tác dụng phụ của hóa chất cho bệnh nhân như rụng tóc, nôn mửa, mệt mỏi. Dạy họ cách lựa chọn khẩu phần ăn phù hợp, giải tỏa nỗi lo, khuyên họ tập thể dục, giao lưu với mọi người. Với những người đủ sức khỏe, tôi khuyên họ nên tiếp tục làm việc, tập thể dục đều đặn. Đôi khi, bác sĩ còn tư vẫn cả chuyện làm đẹp, sinh hoạt vợ chồng cho người ung thư", bác sĩ Mai cho biết.

Với người thân, bác sĩ, tư vấn viên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc, nhận biết những tâm lý bất ổn người bệnh hay tháo gỡ những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình bệnh nhân.

"Tôi đã từng tiếp nhận trường hợp, bệnh nhân lớn tuổi bị ung thư, con cái đến tuổi trưởng thành phải đi làm nên không ai chăm sóc. Những người đó họ không chỉ lo lắng về bệnh tật mà còn cảm thấy cô đơn trong trận chiến đấu dai dẳng, đau đớn. Trong ung thư, cách chữa bệnh tốt nhất chính là gia đình. Đó là nơi sát cánh để người bệnh không phải chiến đấu một mình", bác sĩ Mai nhấn mạnh. 

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính