Anphabe vừa công bố báo cáo xu hướng nhân sự Việt Nam giai đoạn nửa đầu năm 2023 (tổng hợp từ phản hồi của hơn 6000 đáp viên, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 30 CEO và 120 giám đốc nhân sự) đã hé lộ nhiều nội dung đáng chú ý .
Tại Việt Nam, cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau
Theo Intage Việt Nam, chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ 2 ngành có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái là Giáo dục và Bất động sản, đặt ra ‘thế khó’ trong kinh doanh cho đại đa số doanh nghiệp Việt.
Chính vì thế, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản cũng chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 4 năm qua. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 100.000 doanh nghiệp tuyên bố Ngưng hoạt đông, Giải thể hoặc Chờ giải thể.
Nhìn rộng ra bức tranh thế giới, chỉ trong vòng 1 năm, thị trường lao động đã trải qua những thay đổi nhanh đến chóng mặt với 2 diễn biến hoàn toàn đối lập. Nếu cuối năm 2021 đánh dấu sự xuất hiện của trào lưu "nghỉ việc ồ ạt” hậu COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp bàng hoàng và lo lắng vì khó khăn trong tuyển dụng người thay thế.
Sang đến cuối năm 2022, tình hình đã hoàn toàn thay đổi khi “cơn bão sa thải” hoành hành trên toàn cầu do những biến động bất ngờ của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là ở nhóm các công ty Công nghệ. Hashtag #LAYOFF (sa thải) trở thành một trong những xu hướng phổ biến nhất trên các nền tảng mạng xã hội, phản ánh sự quan ngại và ảnh hưởng đáng kể của tình trạng này đối với người lao động.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng thế giới khi "sóng thần sa thải" nhanh chóng ập đến và tác động mạnh mẽ đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc các ngành Công nghệ thông tin/ Phần mềm/ Thương Mại Điện Tử (đã cắt giảm trung bình khoảng 25% nguồn nhân lực); ngành Bất động sản (22%); tiếp theo là các ngành Bảo hiểm (18%); Điện tử/Công nghệ cao (16%) và Du lịch/ Ẩm thực/ Nghỉ dưỡng (16%).
Từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp tại Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn nhân lực với quy mô khác nhau để giảm thiểu chi phí. Đến nay, đã có khoảng 13% người đi làm tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải, tập trung nhiều hơn ở cấp nhân viên và nhất là nhóm còn trong giai đoạn thử việc.
“Sóng thần sa thải” sẽ tiếp diễn trong thời gian tới
Dự đoán “Sóng thần sa thải” sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Theo khảo sát của Anphabe vào tháng 5/2023 với nhóm nhân sự từ cấp Quản Lý trở lên, ngoài 33% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm, vẫn có 13% doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm trong thời gian tới; 34% quyết định giữ nguyên và chỉ 20% có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, đối với nhóm công ty quyết định giữ nguyên hoặc sẽ cắt giảm nhân sự, biện pháp "không tuyển thay thế" đối với nhân viên tự nguyện nghỉ việc đang trở nên phổ biến. Chiến lược này được giới nhân sự gọi là "quiet-firing" (tạm hiểu là “sa thải thầm lặng” để tránh gây xáo trộn lớn trong tổ chức mà vẫn giảm dần số lượng nhân sự xuống mức mong muốn).
Với các doanh nghiệp đã cắt giảm, hầu hết đều bị đặt trong thế BỊ ĐỘNG PHẢI CẮT GIẢM NGAY để duy trì hoạt động do Kinh doanh khó khăn, không đủ tiền để trả lương hoặc Khủng hoảng kinh tế, không đủ việc cho nhân viên…
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy xu hướng giảm nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp đang dịch chuyển theo một hướng tích cực hơn, đó là CHỦ ĐỘNG TINH GỌN thông qua việc Tái cấu trúc để tối ưu và linh hoạt hơn, cũng như Điều chỉnh trước để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn từ khủng hoảng kinh tế…
Xu hướng RIGHT-SIZING điều chỉnh quy mô một cách hợp lý và tinh gọn này đang ngày càng trở nên rõ ràng trong các doanh nghiệp hiện nay, bao gồm cả những doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, cho thấy sự thích ứng và linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và biến đổi của thị trường.
31% người lao động đang chịu áp lực STRESS
Hệ lụy của cơn bão sa thải quét qua là ngay ở những công ty không cắt giảm nhân sự, các chỉ số về Động Lực & Gắn Kết của nhân viên vẫn giảm sút. Đáng lưu ý, đối với những doanh nghiệp đã hoặc sẽ cắt giảm, chỉ số này giảm xuống còn thấp hơn cả mức ghi nhận tại giai đoạn khủng hoảng COVID-19 những năm 2020 - 2021.
Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại và cần được xem xét một cách cẩn thận, đặc biệt khi người lao động thời nay không chỉ nhạy cảm với các biến động trong doanh nghiệp mà còn nhạy cảm với các xáo động chung của thị trường.
Mặt khác, khảo sát ý kiến của người lao động Việt Nam đối với nhận định “Tôi tin vào tầm nhìn và chiến lược của công ty” năm 2023 cũng cho thấy sự sụt giảm đáng báo động so với năm 2022.
Tại những doanh nghiệp đã hoặc sẽ cắt giảm nhân lực, chỉ số này giảm chỉ còn 29%. Thậm chí, nhóm các doanh nghiệp duy trì hoặc dự kiến gia tăng nhân lực cũng không thoát khỏi thực trạng này, khi chỉ có khoảng 50% nhân viên bày tỏ sự tin tưởng của mình vào tầm nhìn và chiến lược của công ty, thể hiện rõ thực tế "người ra đi thì bàng hoàng - kẻ ở lại thì hoang mang."
Theo khảo sát của Anphabe, có đến 31% người lao động Việt Nam đang chịu áp lực STRESS (tần suất từ Thường Xuyên đến Rất Thường Xuyên)
Đáng lưu ý, tỷ lệ nhân viên bị STRESS trong nhóm bị cắt giảm là khoảng 29%, cao hơn so với tỷ lệ 23% ở nhóm nhân viên tại doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 43% ở nhóm 'Sống sót' sau cắt giảm.
Điều này cho thấy người bị cắt giảm có thể trải qua giai đoạn khó khăn và hụt hẫng, nhưng áp lực lớn hơn vẫn đang đè nặng lên vai những người được doanh nghiệp giữ lại.
K.TBạn đang xem bài viết Làn sóng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp và nỗi lo về 'sóng thần sa thải' tới gần tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].