Hãy nói lời biết ơn
Hãy tập nghĩ mọi chuyện theo một chiều hướng tốt hơn thay vì kêu ca, than phiền về những điều khiến bạn khó chịu.
Nghĩ tốt về những điều xấu có thể không khiến điều xấu đó mất đi hay đỡ xấu hơn mà nó sẽ khiến tâm trạng bạn bớt đi u ám. Nó giống như việc bạn chỉ tìm kiếm những sai sót thì bạn sẽ chỉ thấy những sai sót vậy.
Tâm trạng của bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gì bạn đang tìm kiếm- bạn đang dung nạp và bạn đang “ăn” nó. Thế nên, hãy nhìn- nghĩ- tiếp nạp những khía cạnh tích cực đi, ngay lúc này!
Thay vì chỉ biết nói XIN LỖI, hãy nói lời BIẾT ƠN. Hãy biết ơn vì họ đã phải chịu đựng những lỗi lầm mình gây ra. Vì nếu không, họ đã có những cư xử vô cùng tệ với lỗi lầm của mình.
Hãy dùng sự BIẾT ƠN của bạn thay cho lời XIN LỖI, kể cả khi bạn đã nói ra lời xin lỗi. Tư duy tích cực chính là được khởi tạo từ lòng biết ơn.
Một người có nhiều sự biết ơn sẽ trân quý cuộc sống và những mối quan hệ xung quanh hơn. Một người có nhiều sự biết ơn sẽ ít đi những thù hằn- ghen ghét. Một người có nhiều sự biết ơn sẽ học được cách nhìn cuộc đời này một cách đẹp đẽ hơn.
Đừng chuẩn bị cho thất bại
Đừng chuẩn bị cho sự thất bại. Tôi rất thích cái câu: Tôi không thất bại- Tôi chỉ thành công theo một cách khác. Đừng chuẩn bị cho sự thất bại.
Có câu: Thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại. Thế nên, hãy có sự chuẩn bị tốt nhất- bằng lòng tin vào thành công chứ không phải bằng sự sợ hãi nó sẽ thất bại.
Năng lượng tích cực tạo ra từ lòng tin vào thành công có thể giúp bạn- dù thất bại, cũng sẽ vẫn đủ năng lượng cho lần thử kế tiếp hoặc sẽ khiến thất bại ấy thành những bài học kinh nghiệm để gần thêm một chút nữa tới thành công.
Tôi vẫn truyền cho các con mình năng lượng tích cực bằng cách nghĩ tốt về những điều mà các con cho rằng xấu. Tôi không sợ các con tôi sẽ “coi rẻ thất bại” hay “lạc quan tếu”.
Vì thứ tôi sợ hơn đó là những thất bại đeo bám và sự bi quan ám ảnh. Trước bất cứ điều tồi tệ nào có thể đang xảy ra thì ta vẫn sẽ nhìn thấy những điều tích cực nếu ta chịu nhìn, chịu tìm, chịu thấy.
Và cuối cùng, luôn có những cơ hội mới. Như thứ Hai đầu tuần cũng có thể trở thành một điểm xuất phát mới cho dù Chủ Nhật dằng dặc những buồn đau. Chỉ là nếu ta cho Thứ Hai một cơ hội bắt đầu.
Nào, bạn bè của tôi! Năng lượng tích cực của bạn đã được tôi tiếp nạp thêm chút nào chưa khi đọc đến dòng này! Thứ Hai, xin chào một tôi mới toanh!
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Làm thế nào để khởi đầu tuần mới với thứ 2 đầy năng lượng tích cực? tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].