Chia sẻ về việc nên làm gì khi biết con mình là người đồng tính, bà Bùi Thị Cúc - một thành viên của Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính (PFLAG Việt Nam) sẽ đưa ra một vài lời khuyên cho các bậc phụ huynh trong trường hợp này:
Hầu hết các cha mẹ khi con công khai là người đồng tính đều rất sốc, mất bình tĩnh, mất kiểm soát, một số phụ huynh còn vô tình chửi mắng và đánh đập con.
Điều đó tạo nên cho con một tâm lý hoảng sợ, ngại nói chuyện, khó tìm tiếng nói chung với bố mẹ. Tất cả những gì chúng ta làm có thể sẽ khiến đứa con thân yêu trở nên bất hạnh.
Đầu tiên, khi con công khai là người đồng tính, các cha mẹ nên nén cảm xúc lại, ngồi nói chuyện với con trên cơ sở tìm hiểu xem vấn đề của con, không nên vội vàng phản ứng, làm bất cứ việc gì.
Bởi tất cả việc làm, lời nói trong lúc tức giận, hoang mang đều làm tổn thương con và chính bản thân mình. Việc mất bình tĩnh sẽ khiến cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái không có kết quả và đôi khi sinh ra sự xa cách, khó tìm được tiếng nói chung.
Tiếp đó, các phụ huynh nên bình tĩnh nghe con nói, để hiểu câu chuyện của con và những tâm lý mà con đang gặp phải. Vì phải biết được vấn đề con mình mới tìm được một hướng giải quyết phù hợp nhất.
Khi cha mẹ bình tĩnh lắng nghe và hiểu tâm lý con sẽ tạo cơ sở để bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về con và cộng đồng LGBT. Nếu cha mẹ hiểu con, hiểu về thế giới của con sẽ dễ nói chuyện và đồng hành cùng con.
Lúc này, các cha mẹ nên tìm hiểu những người có con thuộc cộng đồng LGBT, tìm kiếm sự đồng cảm, những lời khuyên về tâm lý để có cách ứng xử phù hợp nhất với con trong giai đầu con công khai.
Khi các phụ huynh từng trải nghiệm vấn đề này sẽ có cách ứng xử phù hợp nhất tránh việc tổn thương con cái và làm mất đi hòa khí giữa các mối quan hệ trong gia đình.
Tiếp theo, trong giai đoạn đầu con công khai giới tính cha mẹ thường khó bình thường trong ứng xử với con. Mặt khác, việc chịu cú sốc tinh thần khiến hành vi bị mất kiểm soát hoặc áp chế bởi cảm xúc.
Vì vậy, các cha mẹ không nên lấy quyền làm cha làm mẹ để trấn áp con, gò ép con. Ngay lập tức, những hành động như vậy chỉ làm con cảm thấy áp lực, mệt mỏi, cô độc. Mỗi người hãy đặt mình như một người bạn, người đồng hành để cùng con tìm hiểu bản thân.
Bên cạnh đó, khi biết con là người đồng tính các phụ huynh có thể tìm đến các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, hội nhóm để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có rất nhiều hội nhóm, tổ chức dành cho cộng đồng LGBT như: 6+, HaNoi Queer, Biệt đội cầu vồng…
Những tổ chức này ngoài việc hỗ trợ cho các bạn trong cộng đồng còn giúp đỡ các cha mẹ kết nỗi với con cái trong quá trình công khai giới tính.
Đặc biệt, có Hội phu huynh có con là người đồng tính (PFLAG) là tổ chức nhằm tham vấn tâm lý cho các cha mẹ có con là người đồng tính, chuyển giới. Ngoài việc tư vấn tâm lý, hội PFLAG là một ngôi nhà chung các cha mẹ sinh hoạt, chia sẻ kiến thức và tâm sự chuyện về con cái, gia đình.
Việc chấp nhận con là người đồng tính không phải là chuyện “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, mỗi bậc phụ huynh khi biết con là người thuộc cộng đồng LGBT hãy luôn bình tĩnh, lắng nghe và chia sẻ cùng con.
Biến mình thành người bạn, người đồng hành cùng con, chia sẻ với con những tâm tư khó nói khi công khai giới tính. Bởi vì sự ủng hộ từ gia đình là nguồn động lực lớn nhất để những người đồng tính họ dũng cảm đối diện với xã hội.
Bà Bùi Thị Cúc (Thái Bình), trong cộng đồng thường gọi là "mẹ Cúc". Cô có con là người đồng tính nam. Tham gia tổ chức PFLAG Việt Nam từ năm 2010, là một hội viên tích cực trong các hoạt động của phụ huynh có con là người LGBT.
Tuệ MinhBạn đang xem bài viết Làm gì khi biết con là người đồng tính? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].