Cho dù bạn cắn vào chiếc pizza trước khi nó kịp nguội hay bạn nhấp cà phê quá vội, việc bị bỏng lưỡi không thú vị một chút nào.
May mắn thay, có một số cách dễ dàng mà bạn có thể áp dụng để tự điều trị cho chiếc lưỡi bị bỏng của mình, từ các biện pháp tự nhiên cho đến sử dụng các thuốc giảm đau không cần kê đơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng bỏng vẫn còn kéo dài, bạn có thể sẽ cần đến khám bác sĩ.
Cách 1: Sử dụng phương pháp điều trị tự nhiên.
1. Mút một viên đá lạnh: Cách đơn giản nhất để làm dịu vết bỏng là sử dụng nhiệt lạnh. Bạn có thể mút một viên đá lạnh hoặc một que kem hay thậm chí là uống một cốc nước lạnh cũng có thể làm dịu vết bỏng.
2. Ăn sữa chua: Sữa chua là một trong những cách điều trị bỏng lưỡi hiệu quả nhất.
- Ăn một thìa đầy sữa chua ngay sau khi lưỡi bị bỏng và để nó nằm trên lưỡi một vài giây trước khi nuốt.
- Bạn cũng có thể thử uống một cốc sữa lạnh.
3. Rắc đường lên lưỡi: Một trong những cách điều trị độc đáo nhất là rắc đường trắng lên lưỡi và để nó tan. Để đường nằm trên lưỡi trong ít nhất một phút để giảm đau.
4. Ăn một thìa đầy mật ong: Mật ong là chất tự nhiên có thể được dùng để giảm đau khi lưỡi bị bỏng.
- Chỉ cần ăn một thìa mật ong và để nó nằm trên lưỡi một lúc trước khi nuốt.
- Nhớ rằng bạn tuyệt đối không được cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi ăn mật ong do nó có thể chứa bào tử gây ra ngộ độc ở trẻ sơ sinh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
5. Súc miệng với nước muối: Nước muối có thể làm giảm vết bỏng đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng. Trộn một muỗng cà phê muối với một cốc nước. Nhấp một ngụm nước lớn và súc quanh trong miệng. Giữ nước muối trong miệng trong khoảng từ một đến hai phút trước khi nhổ đi.
6. Sử dụng Vitamin E: Dầu Vitamin E sẽ giúp làm dịu vết bỏng cũng như tăng tốc quá trình chữa lành bằng cách giúp các mô lưỡi tái tạo. Bạn chỉ cần cắt một viên nang vitamin E 1.000 IU và bôi dầu lên phần bị bỏng của lưỡi.
7. Thở bằng miệng: Nghe có vẻ đơn giản nhưng chỉ cần thở bằng miệng (thay vì bằng mũi) có thể giúp làm dịu vết bỏng do nguồn khí lạnh chạy qua lưỡi khi bạn hít vào.
8. Tránh các loại món ăn mặn và thực phẩm có tính axit: Cho đến khi quá trình lành lại bắt đầu, tránh xa các thực phẩm có tính axit như cà chua, trái cây và nước ép và giấm.
Nếu bạn vẫn muốn ăn những loại thực phẩm này thì bạn có thể làm loãng nước cam với nước nhưng lạnh và điều này sẽ giúp làm dịu khu vực bị bỏng khi uống. Bạn cũng nên tránh các thực phẩm mặn như khoai tây chiên, hoặc thực phẩm cay, như nước sốt nóng, vì những món này sẽ gây kích ứng ở khu vực bị tổn thương.
9. Dùng lô hội: Cây lô hội là một phương thuốc tự nhiên phổ biến để làm dịu và chữa lành vết bỏng. Thoa một ít gel lô hội (trực tiếp từ cây, không phải từ kem hoặc gel mua tại cửa hàng) trực tiếp lên vùng bị bỏng của lưỡi.
Cảnh báo trước là nó có thể không được ngon cho lắm! Nếu không, bạn cũng có thể cho gel từ cây vào tủ lạnh ngăn đá để làm đông và sau đó mút chúng để giảm đau.
Cách 2: Sử dụng thuốc để giảm đau.
1. Ngậm thuốc ho: Hãy tìm những loại thuốc ho có chứa benzocaine, tinh dầu bạc hà hoặc phenol. Tất cả các thành phần này hoạt động như thuốc gây tê cục bộ, làm tê lưỡi và giúp giảm đau. Nước súc miệng gây mê có chứa các thành phần này cũng có thể giúp ích.
2. Nhai kẹo cao su có chứa tinh dầu bạc hà: Nhai kẹo cao su có chứa tinh dầu bạc hà có thể giúp kích hoạt các thụ thể nhạy cảm lạnh trên lưỡi, làm cho lưỡi bạn cảm thấy dễ chịu và mát hơn.
3. Uống thuốc giảm đau: Nếu cơn đau ở lưỡi rất tồi tệ, hãy cân nhắc dùng thuốc giảm đau không cần kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen. Cách này sẽ giảm đau và giúp giảm sưng.
4. Tránh sử dụng kem hoặc thuốc mỡ trị bỏng: Hầu hết các loại kem và thuốc mỡ trị bỏng chỉ được thiết kế để dùng bên ngoài.
- Không được bôi những loại thuốc này lên lưỡi do chúng có thể chứa các thành phần gây độc hại khi nuốt phải.
- Ngoại lệ duy nhất cho trường hợp này là các loại kem, thuốc mỡ trị bỏng được sản xuất riêng để dùng bên trong miệng.
5. Cân nhắc đến gặp bác sĩ: Nếu lưỡi bị bỏng vẫn còn đau hoặc sưng sau hơn 7 ngày, bạn nên đến khám bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa các hình thức giảm đau hoặc các loại thuốc mạnh hơn để tăng tốc độ chữa lành.
- Nếu cảm giác nóng rát ở lưỡi tự phát sinh, mà không phải do bị bỏng từ thức ăn hoặc đồ uống nóng, bạn có thể đang mắc một hội chứng được gọi là hội chứng bỏng lưỡi. Hội chứng này có thể gây ra rất nhiều đau đớn và có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác của miệng.
- Nếu bạn nghi ngờ rằng mình có thể mắc hội chứng bỏng lưỡi, bạn nên đến khám bác sĩ ngay do đây có thể là triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng hơn như tiểu đường, cường giáp, trầm cảm hoặc dị ứng thực phẩm.
Xuân HồngBạn đang xem bài viết Kỹ năng sơ cứu: Bỏng lưỡi và cách làm dịu nhanh nhất tại chuyên mục Sơ cấp cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].