Nghiên cứu này của Đại học Colorado, Boulder đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, theo dõi sóng não của 22 cặp đôi nam - nữ độ tuổi từ 23 – 33, những người đã ở bên nhau ít nhất 1 năm.
Họ tham gia trải nghiệm một số tình huống kéo dài 2 phút và đội mũ điện não đồ (EEG) để đo hoạt động của sóng não.
Các tình huống này bao gồm ngồi cạnh nhau mà không động chạm; ngồi cạnh nhau và nắm tay và ngồi trong những phòng khác nhau.
Sau đó họ lặp lại các thí nghiệm trên nhưng cô gái bị bỏng nhẹ ở tay.
Kết quả, các nhà khoa học phát hiện khi cặp đôi ở bên nhau, sóng não của họ đồng bộ hóa một chút.
Nhưng khi cả hai chạm vào nhau lúc người phụ nữ bị thương, não bộ tương thông nhiều hơn và cơn đau được giảm đi.
Ngược lại, khi người phụ nữ đang cảm nhận cơn đau mà người đàn ông không thể ở bên cạnh chia sẻ, sự đồng bộ hóa sóng não biến mất.
Các bài kiểm tra tiếp theo cho thấy người đàn ông càng đồng cảm với người phụ nữ bao nhiêu, sóng não của hai người sẽ được đồng bộ nhiều bấy nhiêu và cơn đau của người phụ nữ được giảm đi nhiều hơn.
Tại sao sự đồng bộ sóng não có thể giảm đau là câu hỏi các nhà khoa học chưa giải đáp được nhưng người đứng đầu nghiên cứu, TS Pavel Goldstein, nhà nghiên cứu về nỗi đau ở Phòng thí nghiệm Khoa học thần kinh Nhận thức và Tác động (Cognitive and Affective Neuroscience Lab) của Đại học Colorado, Boulder đưa ra một số giả thuyết.
Theo các nghiên cứu trước đó, những cử chỉ yêu thương, thể hiện sự cảm thông có thể giúp một người cảm thấy được thấu hiểu, từ đó kích hoạt cơ chế giảm đau trong não bộ.
Hoặc, những cử chỉ này có thể xóa nhòa ranh giới giữa bạn và người kia, giúp não bộ hai người tương thông.
TS Goldstein kết luận: “Bạn có thể bộc lộ sự đồng cảm với nỗi đau của người kia nhưng nếu không có những cử chỉ yêu thương, người kia sẽ không thực sự cảm nhận được điều đó”.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Khoa học chứng minh, nắm tay người yêu có tác dụng ngang với dùng thuốc giảm đau tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].