Bắt đầu từ năm 1993, ông là người đầu tiên trên thế giới thực hiện ghép gan từ người cho sống. Ca kinh điển trong hành trình phẫu thuật của ông là lấy gan từ người sống ghép cho bệnh nhân dài hơn 30 giờ đồng hồ. Chỉ tính riêng về ghép gan, mỗi năm ông thực hiện từ 100-150 ca. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà giới y khoa thế giới coi ông như một "huyền thoại sống" về ghép tạng.
Nhiều năm qua, ông tới nhiều nước khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam để thực hiện các ca ghép tạng, cứu sống cho nhiều bệnh nhân.
Tại Việt Nam, năm 2004, chính GS Masatoshi Makuuchi cùng đội ngũ bác sĩ Viện Quân y 103 đã thực hiện ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân là bé gái Nguyễn Thị Diệp (9 tuổi, quê Nam Định), nhận gan từ bố đẻ của mình. Ca ghép gan dài 17 tiếng đồng hồ thành công đã đi vào lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam.
Đến nay, bệnh nhân Diệp đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp, khỏe mạnh và hiện làm việc tại nơi đã tiến hành ca mổ cho mình.
Lần trở lại Việt Nam sau 14 năm, GS Makuuchi tham gia đào tạo huấn luyện đội bác sĩ ghép gan chuyên nghiệp cho bệnh viện Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình ký kết giữa Hiệp hội Y bác sĩ Việt - Nhật với Bệnh viện Đà Nẵng về huấn luyện đội bác sĩ ghép gan.
GS Makuuchi đã đánh giá cao những thay đổi, tiến bộ của đội ngũ ngành ghép tạng Việt Nam thời gian gần đây. “Nhớ lần thực hiện ghép gan ở Viện Quân y 103, tôi đã nghe nhiều ý kiến phản đối, đại loại “ngành y tế mới có thế này mà anh dám làm một việc như vậy”. Bây giờ thì mọi thứ đã khác. Tôi tin với sự phát triển này, Việt Nam sẽ sớm có sự chuẩn bị đầy đủ về kinh tế cũng như nền tảng y tế để có thể thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật ghép gan hơn nữa”, GS cho hay.
Được biết, ngoài việc truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho các bác sĩ Việt Nam, GS còn trực tiếp tham gia một số ca phẫu thuật cho bệnh nhân tại BV Đà Nẵng.
Thanh HoaBạn đang xem bài viết 'Huyền thoại sống' về ghép tạng thế giới sang Việt Nam đào tạo tại chuyên mục Nghiên cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].