Chiếu hộp cứu thương là thể loại sách ehon, một dạng truyện tranh đặc trưng của Nhật Bản, viết về nhiều vấn đề trong thế giới trẻ thơ.
Cuốn sách được viết bởi tác giả Makoto Yamada – Bác sĩ Nhi khoa, Giám đốc phòng khám trung tâm Hachioji, sẽ cung cấp cho cha mẹ và các bé những kiến thức quan trọng và cần thiết về việc sơ cứu vết thương khi: bị bỏng, xây xát, vết cắt nhỏ, bị dằm đâm, bị kẹp cửa vào tay, chảy máu cam, nấc; va đập, bị ong đốt, côn trùng bay vào tai, bị mèo cào và khi bị tê chân.
Cụ thể, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ, nếu bị bỏng, bé cần ngay lập tức xả nước lạnh vào vết bỏng. Bằng cách để tay dưới vòi nước 10 phút hoặc cho ngón tay vào cốc. Sau đó, bé cần nhờ mẹ quấn băng vào. Ngày tiếp theo, tháo băng ra xem, nếu chỉ còn hơi đỏ thì sẽ sớm khỏi. “Nếu có bọc nước nổi lên, làm vỡ bọc rồi dán băng vết thương vào”.
Còn nếu trong lúc chơi đùa trẻ chẳng may bị vết cắt nhỏ ở tay, cha mẹ cần dặn dò trẻ hãy giữ chặt miệng vết cắt, chưa đầy 5 phút sau máu sẽ ngừng chảy. “Sau khi máu ngừng chảy, hãy rửa sạch vết thương và dán băng dán vết thương nhé. Dán liên tục khoảng một tuần là vết thương sẽ liền miệng”. Cuốn sách bằng những hình ảnh minh họa trực quan còn hướng dẫn cụ thể cách cắt miếng dán y tế.
Có một tai nạn nhỏ mà các em bé thường bất ngờ gặp phải là chảy máu cam. Với rắc rối này, nhiều cha mẹ thường dặn trẻ hãy ngửa mặt lên trời để kiềm máu chảy. Tuy nhiên, nếu ngẩng đầu lên, “máu có thể chảy xuống họng, khiến bé buồn nôn”. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ, khi bị chạy máu cam bé hãy bịt mũi, hơi cúi đầu xuống và ngồi yên, sau 5 phút máu sẽ ngừng chảy.
Trường hợp sau 5 phút máu vẫn chảy hãy nhét bông vào mũi, 10 phút sau máu sẽ ngừng chảy. Nếu làm đến vậy mà máu vẫn chảy thì cha mẹ cần mang bé đến bệnh viên tai mũi họng.
Bằng những nét vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu của họa sĩ Gen-ichiro Yagyu, cách xử lý các vết thương khác như bị xây xát do ngã, bị côn trùng bay vào tai, bụi bay vào mắt hay bị mèo cào hoặc cắn cũng được miêu tả chi tiết, lôi cuốn trẻ vào thực hành qua đó giúp trẻ dễ nhớ hơn.
Dựa trên kiến thức có được từ cuốn sách “Chiếc hộp cứu thương” dễ thương này, cha mẹ có thể trang bị một chiếc hộp cứu thương trong gia đình với những thiết bị và phương tiện đơn giản, cần thiết.
Thục LinhBạn đang xem bài viết Hướng dẫn cách xử lý các vết thương trẻ thường gặp với 'Chiếc hộp cứu thương' tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].