Hotmom Lý Ngọc Lê: Khi con bị bệnh đừng vội dùng thuốc

Khi chăm sóc con nhỏ thường các mẹ đều có danh sách một vài bác sĩ nhi mà mình tin tưởng, khi đó gọi điện hỏi các bác sĩ cũng rất sẵn lòng để trả lời.

Hotmom Lý Ngọc Lê: Khi con bị bệnh đừng vội dùng thuốc 0

Dưới đây là những kinh nghiệm chăm sóc con của hotmom trong cộng đồng Làm cha mẹ Lý Ngọc Lê đã giúp 2 con của mình luôn khỏe mạnh, tránh tối đa việc mắc bệnh trong những ngày lạnh.

Chị Lý Ngọc Lê có 2 con nhỏ, một bé 4 tuổi và một bé hơn 1 tuổi. Thời gian đầu làm mẹ chị cũng gặp phải nhiều khó khăn, nhất là những ngày con ốm đau, phải ăn trực nằm chờ ở bệnh viện.

Và những ngày vất vả đêm hôm chăm con ốm chị đã nhận ra rằng, cách tốt nhất để nuôi con không vất vả là làm thế nào để con không bị ốm, không phải đi bệnh viện.

Sau nhiều năm chăm sóc con nhỏ, chị Lý Ngọc Lê rút ra kinh nghiệm của riêng mình, đó là ‘cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con, tạo môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh mũi họng cho con thường xuyên và hạn chế tối đa việc dùng thuốc kháng sinh điều trị cho con’ – chị chia sẻ.

Cách xây dựng chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cho bé

Kinh nghiệm của Lý Ngọc Lê khi lên thực đơn dinh dưỡng cho con là tham khảo nhiều nguồn khác nhau. ‘Tôi có tham khảo chế độ ăn dặm của Nhật, chế độ của các mẹ phương Tây. Sau khi tham khảo tôi có kết hợp thêm với cách cho ăn theo kiểu truyền thống của Việt Nam’.

Giai đoạn đầu khi bé còn nhỏ, chị cho con ăn cháo nghiền nhuyễn, cho bé ăn từng loại thực phẩm để bé có thể cảm nhận được hết mùi vị của thực phẩm.

Khi bé lớn hơn một chút chị bắt đầu cho bé ăn theo từng khối bằng cách cắt thực phẩm thành những miếng dài nhỏ vừa tay của bé, ninh nhừ thực phẩm rồi cho bé tự cầm và gặm.

‘Sau khi bé đã quen với 2 cách ăn đó, cộng với việc con đã hơn 1 tuổi, nhu cầu dinh dưỡng tăng lên thì tôi cho con ăn kết hợp cả 2 cách là vừa cho bé ăn cháo, vừa cho ăn rau củ dạng khối.

Dù cho con ăn theo cách nào thì tôi vẫn đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé là chất đạm, chất đường, chất béo và rau củ.

Để đảm bảo dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của bé, tôi lên lịch dinh dưỡng theo tuần, mỗi 1 tuần có 7 ngày, mỗi ngày có 3 món.

Nhiều mẹ sợ lên thực đơn như vậy cầu kỳ, mất nhiều thời gian. Nhưng thực tế làm như vậy không tốn thời bao nhiêu thời gian của mẹ mà lại đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con, giúp con phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Hotmom Lý Ngọc Lê: Khi con bị bệnh đừng vội dùng thuốc 1

Khi đã được lên lịch sẵn như vậy thì cứ thế mà thực hiện, không phải nghĩ xem nay cho con ăn gì, mai cho con ăn gì nữa.

Thời gian đầu bé ăn ít tôi chia thực phẩm đã chế biến vào các khay và bảo quản riêng ở ngăn đá, đến bữa sẽ nấu cho con.

Nhưng bây giờ con lớn hơn, lượng ăn nhiều nên tôi mua đồ tươi sống về, bảo quản mát và đến bữa là chế biến cho con theo lịch mà tôi đã đặt ra từ đầu tuần.

Đặc biệt, các thực phẩm tôi lựa chọn chế biến cho con đều là những thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng và chế biến đồ ăn cho con như vậy đã được tôi áp dụng để chăm sóc cả 2 con và thấy các con phát triển khá tốt và khỏe mạnh’ – chị Lý Ngọc Lê tâm sự.

Khi con bị bệnh đừng vội dùng thuốc

Việc giữ ấm cho con cần phải chú trọng. Trẻ được giữ ấm nhưng phải đảm bảo thoáng, nhất là những ngày thời tiết thay đổi sáng và đêm lạnh, trưa hửng nắng.

Nếu thấy con đổ quá nhiều mồ hôi thì có thể bé đang hơi nóng một chút. Khi đó mẹ phải dùng khăn khô để lau mồ hôi cho bé.

Việc lau mồ hôi cho trẻ thường xuyên rất quan trọng vì nếu không mồ hôi có thể sẽ thấm ngược vào trong cơ thể và khiến bé bị cảm lạnh. Từ cảm lạnh có thể sẽ dẫn đến viêm phổi.  

  Trang phục mùa đông của trẻ phải đảm bảo đủ ấm nhưng cần thoáng để không bị ra mồ hôi làm ngấm ngược vào cơ thể bé và gây viêm phổi

Trang phục mùa đông của trẻ phải đảm bảo đủ ấm nhưng cần thoáng để không bị ra mồ hôi làm ngấm ngược vào cơ thể bé và gây viêm phổi

Ngoài việc giữ ấm cho con, cần chú trọng việc vệ sinh mũi họng hàng ngày cho các con của mình. Kinh nghiệm của chị là thường xuyên dùng nước muối sinh lý để rửa mắt, mũi, họng cho bé.

‘Dùng một lượng vừa đủ nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng cho con. Lúc con còn nhỏ tôi vệ sinh cho con ngày 2 lần. Đến bây giờ con lớn hơn chỉ cần vệ sinh ngày 1 lần.

Tôi không nhỏ nước muối vào tai cho con như nhiều bà mẹ vẫn làm và cũng không dùng các dụng cụ để lấy ráy tai cho con.

Nhiều mẹ bỉm sữa bảo tôi rằng không lấy ráy tai cho con để bít thế kia, nhưng tôi thấy mỗi người có một cách chăm con và tôi thấy cứ 1 thời gian ráy tai của con tự đẩy ra và tai con lại sạch bình thường mà không cần can thiệp vào tai.

Vào những ngày con bị chảy nước mũi nhiều tôi sẽ dùng dụng cụ hút mũi làm sạch và nhỏ nước muối liên tục, cứ hút ra rồi lại nhỏ như vậy khoảng 2 – 3 ngày là con khỏi, không phải dùng một liều kháng sinh nào.

Bí quyết khi nhỏ nước muối cho con của tôi, nhất là những ngày đông lạnh là trước khi nhỏ ngâm lọ nước muối vào nước ấm để nước muối hơi ấm mới nhỏ cho con. Làm như vậy con sẽ không bị lạnh, không giật mình sợ hãi.

Tôi làm như vậy con không sợ hãi mà còn tỏ ra thích thú. Bé lớn 4 tuổi nhà tôi giờ thấy mẹ làm ấm nước muối sinh lý là sẽ tự động nhỏ nước muối vào mắt, mũi để vệ sinh mà không cần mẹ giúp đỡ.

Và loại nước muối mà tôi dùng là dạng nhỏ giọt. Tôi không dùng loại phun sương hay dùng xi lanh bơm rửa như nhiều mẹ vẫn làm. Vì cách đó thường làm trẻ giật mình, sợ hãi.

Nhưng các mẹ phải nhớ khi con vừa mới bị bệnh phải dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi họng cho con ngay. Nếu để bệnh nặng mới nghĩ đến vệ sinh thì sẽ không hiệu quả.

Cũng theo Lý Ngọc Lê, khi trẻ bị ốm nhẹ thông thường, đừng vội dùng thuốc. Còn khi con đã bị nặng thì chỉ có thể đưa con đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ’.

  Quất ngâm đường phèn là biện pháp dân gian được chị Lê Ngọc Lý hay sử dụng để chữa ho cho con

Quất ngâm đường phèn là biện pháp dân gian được chị Lê Ngọc Lý hay sử dụng để chữa ho cho con

Bên cạnh việc vệ sinh mũi họng cho con, các mẹ cũng có thể áp dụng các biện pháp dân gian để chữa bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp dân gian cần tìm hiểm, kiểm tra kỹ để phòng ngừa những nguy hiểm.

Chị cũng thường áp dụng các biện pháp dân gian như dùng quất ngâm đường phèn, lá hẹ hấp, chanh đào, mật ong… để chữa bệnh cho con. Nhưng, ‘trước khi áp dụng cho con tôi đều tìm hiểu trước về phương pháp này xem có lợi ích và nguy hiểm gì không.

Việc tìm hiểu có nhiều cách khác nhau, có thể tìm đọc sách báo về sức khỏe, hỏi kinh nghiệm của các mẹ khác và hỏi bác sĩ nhi. 

Khi chăm sóc con nhỏ thường các mẹ đều có danh sách một vài bác sĩ nhi mà mình tin tưởng, khi đó gọi điện hỏi các bác sĩ cũng rất sẵn lòng để trả lời. 

Và khi áp dụng các biện pháp dân gian chữa bệnh cho con tôi chỉ áp dụng cách đó khoảng 3 ngày, thấy bệnh của con không thuyên giảm tôi sẽ ngừng và đưa con đi gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị cho đúng.  

Nhiều mẹ còn truyền tai nhau cách dùng ‘thần dược’ sữa mẹ chữa ‘bách bệnh’ cho con. Một lần tôi đã dùng thử để bôi da cho bé khi con bị nẻ, nhưng tôi bôi không thấy có hiệu quả nên đã gọi điện nhờ sự tư vấn của bác sĩ.

  Da mặt của con gái chị Lý đã hết nẻ và mẩn đỏ sau khi chị cho con bôi thuốc, vệ sinh da theo cách mà bác sĩ hướng dẫn

Da mặt của con gái chị Lý đã hết nẻ và mẩn đỏ sau khi chị cho con bôi thuốc, vệ sinh da theo cách mà bác sĩ hướng dẫn

"Tôi làm theo những gì bác sĩ chỉ dẫn và chỉ vài ngày tình trạng nẻ của con tôi đã giảm. Tôi cũng có hỏi bác sĩ về việc dùng sữa mẹ để chữa cho con và các bác sĩ khuyên rằng, sữa mẹ ra ngoài môi trường một thời gian sẽ bị nhiễm khuẩn. Nếu dùng để chữa bệnh, trị các vết thương của con thì sẽ làm cho bệnh nặng hơn.

Vậy nên, lời khuyên của tôi với các bà mẹ là khi con gặp các vấn đề về sức khỏe nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị hiệu quả nhất.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính