Đó là những con số được nêu ra tại Lễ công bố Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam ngày 26/6 tại Hà Nội.
Theo số liệu của ban tổ chức, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm trung bình nước ta có trên 2000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Theo đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.
Do đó, Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội (MOLISA) phối hợp với Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) đã tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam.
Tiến sỹ Kelly Henning, Giám đốc Chương trình Y tế công cộng toàn cầu của Quỹ từ thiện Bloomberg đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu đô la Mỹ cho 2 năm đầu tiên của chương trình 5 năm.
Chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam được thực hiện dựa trên những can thiệp đã được chứng minh hiệu quả tại một số quốc gia như Bangladesh. Quỹ từ thiện Bloomberg đã hỗ các can thiệp giám sát an toàn cho trẻ thông qua nhóm trông trẻ và dạy bơi cho trẻ phòng chống đuối nước từ năm 2012 và qua đó, đã giảm đáng kể số tử vong do đuối nước ở nhóm trẻ này.
Để lan tỏa những nỗ lực này, với khoản hỗ trợ mới vào tháng 5 năm 2017, Quỹ từ thiện Bloomberg lựa chọn Việt Nam vì sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ và sự trầm trọng của vấn đề này tại Việt Nam. Ngài Michael R. Bloomberg là Đại sứ toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về các bệnh không lây nhiễm.
Chương trình hợp tác phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam sẽ bao gồm hai chương trình can thiệp đã được chứng minh hiệu quả sau:
1) Hỗ trợ các biện pháp đảm bảo trông giữ trẻ an toàn đặc biệt là trẻ dưới năm tuổi tại gia đình, cộng đồng;
2) Dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ sáu tới mười lăm tuổi.
Bên cạnh đó chương trình cũng quan tâm tới việc nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết:
"Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống đuối nước trẻ em. Hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Chúng tôi tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế và sự nỗ lực của các địa phương sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tử vong do đuối nước cho trẻ em Việt Nam đảm bảo trẻ em có một môi trường an toàn, đảm bảo quyền sống còn của trẻ."
“Số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đặc biệt cao, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được”, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết. "Những gì chúng ta cần là sự tiếp cận liên ngành và tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng liên quan đến trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. Đây cũng chính là trọng tâm mà chương trình này hướng tới."
Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm giảm tình trạng tử vong đuối nước ở trẻ em thông qua thực hiện Chương trình Quốc gia về Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và Quỹ từ thiện Bloomberg tự hào cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để triển khai các biện pháp hiệu quả vả bền vững nhằm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em.
Chương trình sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và cộng đồng tại 8 tỉnh của Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ mang lại lợi ích trong công tác phòng chống đuối nước ở Việt Nam nói chung, thông qua việc cải thiện năng lực của các đối tác quốc gia.
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Hơn 2000 trẻ chết đuối mỗi năm ở Việt Nam tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].