Học hỏi 3 bí quyết nuôi con nhàn tênh của người Thuỵ Điển

Bà mẹ 2 con người Singapore đang sinh sống và làm việc tại Thuỵ Điển rút ra những bí quyết nuôi con nhàn tênh của cha mẹ nước này.

9 năm qua, người phụ nữ Singapore tên Min đã đi du lịch và làm việc ở nhiều nơi, từ Hàn Quốc đến Tây Ban Nha và bây giờ là Thụy Điển.

Cô cùng với chồng và 2 con (5 và 7 tuổi) sống trong một thành phố đại học cách Stockholm 1 giờ đồng hồ - nơi hoàn toàn khác với sự nhộn nhịp của những thành phố khác mà họ từng sống.

Empty

Min cho biết thành phố thực sự không có gì nhiều, chỉ có hai trung tâm thương mại. Nhưng nó lại có rất nhiều rừng sâu và những con đường mòn đẹp như tranh vẽ, tuyệt vời để tổ chức các hoạt động cho trẻ nhỏ như đi bộ đường dài, cắm trại, chèo thuyền và trượt tuyết.

Thụy Điển là một trong những quốc gia tốt nhất trên thế giới để nuôi dạy con cái - và theo Min, những hoạt động ngoài thiên nhiên không phải là lý do duy nhất. 

Cách nuôi con của người Thuỵ Điển cũng có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Dưới đây là 3 bí quyết nuôi con nhàn tênh của cha mẹ nước này.

1. Cân bằng công việc và cuộc sống gia đình

Empty

Bí quyết hàng đầu giúp người Thụy Điển trở thành một trong những người hạnh phúc nhất thế giới chính là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Min chia sẻ.

Điều này bắt đầu từ chế độ thai sản dành cho cha mẹ: Cha mẹ ở Thụy Điển được hưởng 480 ngày nghỉ có lương khi sinh con hoặc nhận con nuôi.

Cùng với đó là luật quy định người lao động phải được nghỉ ít nhất 25 ngày phép mỗi năm, giúp người Thụy Điển tách biệt được công việc và thời gian rảnh rỗi.

Điều đó đồng nghĩa với việc họ có nhiều thời gian hơn cho gia đình và vui chơi với con cái.

"Người Thụy Điển có rất nhiều thú vui. Họ hạnh phúc vì có nhiều thời gian cho điều đó. Họ có mục đích sống rộng lớn hơn. Họ yêu đời nhiều hơn vì biết cách tận hưởng cuộc sống", Min nói.

2. Cho trẻ vui chơi tự do ngoài trời

Empty

Việc sống ở Thụy Điển đã khiến Min và gia đình gần gũi hơn với thiên nhiên. Các con cô được tham gia lớp học trong rừng vào cuối tuần, học các kỹ năng thực tiễn như dựng lều, nhóm lửa và thắt nút dây.

Min cho biết, thiên nhiên bên ngoài đã trở thành một lớp học thiết yếu của họ. "Ở Singapore, việc học được thực hiện rất có cấu trúc… như vậy không phải là xấu, nhưng cách học rất khác nhau. Ở đây (Thuỵ Điển), trẻ em học thông qua vui chơi tự do trong thiên nhiên".

"Ví dụ - nếu muốn vượt qua một chướng ngại vật, trẻ sẽ giải quyết như thế nào? Trẻ có thể không thấy kết quả bài học ngay lập tức, nhưng trẻ đã học và phát triển được kỹ năng giải quyết vấn đề".

Việc khám phá khu rừng cũng cho khiến các con của cô thấy mình có thể đi xa hơn vùng an toàn của chúng như thế nào.

"Khi chúng tôi đưa các con vào rừng ban đêm lần đầu, chúng tất nhiên là rất sợ. Nhưng theo thời gian, các con tự đi xa hơn một chút để khám phá, để tìm hiểu những gì chúng có thể và không thể làm. Khi ở ngoài thiên nhiên, chúng sẽ có cảm giác không giới hạn. Các con có thể trở thành bất cứ điều gì chúng muốn".

3. Cho trẻ quyền tự chủ

Empty

Một trong những khó khăn lớn nhất mà Min gặp phải khi chuyển đến Thụy Điển là phải thích nghi với mức độ tự chủ mà cha mẹ ở đây dành cho con cái.

"Trẻ em ở Singapore không có nhiều tự do, nhưng tất cả chúng tôi đều lớn lên khá ổn. Ở Thuỵ Điển, trẻ em rất có tiếng nói và được tôn trọng như người lớn", Min cho biết.

Ví dụ, vào giờ ngủ trưa ở trường mầm non, trẻ em thường phải ở trong lớp dù muốn ngủ trưa hay không. Nhưng ở Thụy Điển, trẻ có thể chọn liệu chúng muốn sử dụng thời gian để ngủ trưa hay chơi.

"Ngay khi biết điều đó, con gái tôi không muốn ngủ trưa. Dễ hiểu thôi, vì nếu tôi còn là đứa trẻ thì tôi cũng sẽ chơi bất cứ khi nào có thể”, Min nói.

“Lúc đầu, tôi cảm thấy trường nên dùng quyền lực để bắt bé ngủ trưa, vì mỗi ngày con đều về nhà trong trạng thái buồn ngủ, cáu kỉnh. Nhưng ở đây họ không làm vậy".

Nhìn lại tuổi thơ của mình và cách mình được nuôi dạy, Min cho biết cô thấy được lợi ích của việc cho trẻ em nhiều quyền tự chủ hơn. Vì việc dùng quyền lực để bắt ép sẽ dạy trẻ rằng quyền lực cho bạn sức mạnh, và đó là cách những hành vi như bắt nạt bắt đầu.

Cho con cái nhiều tự do hơn cũng giúp chúng có cơ hội học cách chịu trách nhiệm với những lựa chọn của riêng mình. "Nếu không muốn ăn tối thì sau đó trẻ sẽ bị đói. Khi đó, trẻ sẽ học được hậu quả của việc từ chối thức ăn”, cô cười nói.

(Theo CNBC)

banner mobile 3-1
Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính