Theo GS.TS Phạm Xuân Sinh, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, ĐH Dược Hà Nội, cây hoa gạo còn gọi với tên mộc miên không chỉ là cây làm cảnh lấy bóng mát mà còn là vị thuốc trong Đông y.
Trong Y học cổ truyền, các bộ phận của cây gạo như: hoa, vỏ thân và rễ đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Hoa gạo được dùng để trị các bệnh đau loét dạ dày, tá tràng hoặc điều trị tiêu chảy, kiết lị…
Hoa gạo cũng có tác dụng bổ khí huyết, điều trị bệnh thiếu máu nhược sắc, da xanh xao; mất máu sau phẫu thuật hoặc các trường hợp rong kinh, đa kinh…
Hoa gạo khi thu hái được đem rửa sạch để ráo nước, sấy khô, tán bột mịn, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 3 – 5g. Mọi người cũng có thể lấy nguyên cả hoa khô sắc uống, ngày 20 – 30g để uống trong ngày. Để làm đẹp da, điều trị mụn nhọt có thể dùng hoa gạo tươi giã nát, đắp vào nơi mụn nhọt.
Đặc biệt, hoa gạo còn được dùng để chữa các bệnh về xương khớp rất hiệu quả. Một số bài thuốc chữa xương khớp từ hoa gạo như:
- Giảm đau nhức xương khớp, đau cơ: Vỏ thân cây gạo tươi 50g, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, thái mỏng, giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau.
- Chữa bong gân nhẹ: Vỏ thân cây gạo tươi, rau má tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi, bốn thứ lượng bằng nhau, rửa sạch, giã nát, băng đắp vào chỗ sưng đau. Hoặc: Vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng), sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.
- Sưng nề do chấn thương: Vỏ thân hoặc rễ cây gạo ngâm rượu xoa ngoài hoặc giã nát đắp vào vị trí tổn thương. Hoặc vỏ thân cây gạo 100g, củ nghệ vàng già 100g. Vỏ gạo cạo bỏ vỏ bẩn ở ngoài, băm nhỏ, giã nát với nghệ thái mỏng, dùng dấm thanh và rượu cho vào sao rồi chườm hoặc đắp vào vết thương khi còn nóng.
- Viêm khớp mạn tính, đau lưng và đau gối mạn tính: Rễ gạo 30-60g , sắc hoặc ngâm rượu uống.
Ngoài được dùng để chữa bệnh, hoa gạo còn được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, bổ dưỡng như món nhị hoa gạo xào thịt bò, thịt trâu…
An AnBạn đang xem bài viết Hoa gạo không những đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh cực hay mà ít người biết tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].