Bao giờ cho đến tháng ba
Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn
(Ca dao Việt Nam)
Hình ảnh hoa gạo đỏ rực rỡ trong tiết trời tháng 3 nồm ẩm ảm đạm đã đi vào đời sống của những người dân Việt Nam gần gũi và bình dị như thế, như một tín hiệu của thời gian, như một nét chấm phá nổi bật trong bức tranh thời khắc giao mùa.
Hoa gạo, hay còn có tên là hoa mộc miên, hoa pơ lang (Tây nguyên), là loài hoa dân dã, gắn liền với hình ảnh thanh bình nơi làng quê, có khi sừng sững giữa cánh đồng, có khi nép mình kín đáo nơi đầu làng, bên giếng nước, cạnh triền đê….
Cùng với thời gian, có những cây gạo cổ thụ hàng trăm năm, gốc rễ xù xì, đã chứng kiến bao thăng trầm lịch sử và trở thành một phần ký ức tuổi thơ không thể nào quên trong tâm trí biết bao người.
Những bông hoa gạo bung nở hết mình, xòe 5 cánh dày như lòng bàn tay, kể cả khi rụng xuống vẫn vẹn nguyên, tròn đầy như vừa chớm trổ, không chỉ thắp lên trong lòng mỗi người con xa quê khúc ca đồng nội ngọt lành, thơm thảo, mà còn là nét duyên hữu tình khiến bao người say mê thưởng ngắm.
Chính vì thế, vào mỗi độ tháng 3, tháng 4, khi hoa gạo nở đỏ rực cả vùng trời, những thiếu nữ Việt duyên dáng lại tìm đến và lưu giữ lại cho mình những bức hình ưng ý bên cạnh ‘’nỗi niềm tháng ba" (Tên bài thơ viết về hoa gạo của nhà thơ Bình Nguyên Trang).
Cùng ngắm bộ ảnh thiếu nữ dịu dàng trong sắc hoa gạo tháng 3 của nhiếp ảnh gia Đinh Văn Linh (Thiên Mã), được chụp tại Bến đò Tam Giang - Yên Phong Bắc Ninh và Cây gạo miếu Bà Cô - Lãng Sơn - Yên Dũng - Bắc Giang.
Trà MyBạn đang xem bài viết Chùm ảnh: Thiếu nữ đẹp dịu dàng, tinh khôi bên sắc hoa gạo tháng 3 tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].