Việc thả thiên nga tại Hồ Gươm đã vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng Hồ Gươm không nên thả những con vật ngoại lai, cũng có một số ý kiến cho rằng với một nơi trang nghiêm như nơi này thì có nên thả, nuôi con gì để tạo điểm nhấn hay không?
Sáng 5/2, nhiều du khách và người dân Hà Nội bất ngờ khi thấy 12 con thiên nga đen và trắng được quây lưới nhốt phía sau đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo giải thích của đại diện công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thì sau khi hoàn thành việc nạo vét và bổ sung nước Hồ Gươm (Hà Nội), đơn vị thả thí nghiệm thiên nga ở góc hồ và quây lưới để du khách và người dân tham quan, chiêm ngưỡng.
Trước sự việc này, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng việc thả thiên nga tại Hồ Gươm là không phù hợp, và ngay trong đêm 5/2, 12 con thiên nga đã được di chuyển từ Hồ Gươm sang Hồ Thiền Quang
Liên quan đến vấn đề này, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với TS Vũ Thế Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO Hà Nội.
TS Long cho hay: “Thiên nga không phải là loài vật nuôi để ăn thịt mà nó là một loài vật đẹp để ngắm, mang tính văn hóa hơn là ẩm thực.
Tiếp nữa, thiên nga là con vật nhập ngoại, người ta có thể nuôi trong vườn thú để cho mọi người đến ngắm con vật của thế giới. Còn những chỗ danh thắng mà đã được người ta kinh trọng chùa chiền như Hồ Hoàn Kiếm thì không nên thả vào đấy.
Việc nên trồng cây gì, thả con gì ở những nơi trang nghiêm cần phải có tính toán cẩn thận vì có thể nó không phù hợp.
Ngoài ra, kể cả câu chuyện phóng sinh cũng cần phải lưu tâm. Bởi vì muốn giữ nước ở Hồ Hoàn Kiếm trong và không bị ô nhiễm thì về nguyên tắc họ phải thả những con cá khác nhau, từng tầng sinh thái một, chứ không thể cứ bạ con gì là phóng sinh xuống đấy được”.
Việc thả những con vật ngoại lai xuống Hồ Hoàn Kiếm không được nhiều ý kiến đồng tình vì vậy mà cũng có không ít người thắc mắc, vậy không thả thiên nga thì Hồ Gươm có thể nuôi, thả con gì hay không?
Trao đổi về vấn đề này, TS Long hồi tưởng: “Thực ra hồ Hoàn Kiếm đã từng được thả sen ở phía sau Đền Ngọc Sơn. Ngày nhỏ, tôi đi học qua đó đến mùa sen nở thì rất là đẹp và thơm.
Rồi có một năm được thả lại thì chim tự nhiên bay về đấy rất nhiều, có những con uyên ương nó bay về đấy, nhìn rất thú vị.
Mà sen cũng chẳng ảnh hưởng gây hại gì cả, vì mùa hè sen nở, đến mùa đông sen tự lụi đi, không những thế sen còn có thể lọc nước cho sạch nữa”.
Có một thực tế, Hà Nội đã từng là điểm đến của rất nhiều loài chim nước, chim di cư nói riêng và chim hoang dã nói chung. Trước đây, khu vực ngoại thành như Nhổn đã từng rợp bóng cò đủ loại. Khoảng đầu những năm 2000, việc sử dụng súng săn được kiểm soát chặt, chim về đầy ngọn cây khu vực quanh Hồ Gươm. Hay gần nhất, Hồ Tây xuất hiện trở lại nhiều đàn Le le, thậm chí cả sâm cầm, gà nước.
Nhưng tốc độ đô thị hoá đã xoá điểm dừng chân của những đàn cò ở khu vực ngoại thành, nạn bẫy, chơi chim cảnh đã khiến chào mào, khuyên, chim hút mật không dám bén mảng quanh Hồ Gươm, thú ăn chim hoang dã làm cho Hồ Tây không còn bóng chim nước.
Vậy nên chăng, trước khi nhập Thiên nga về, chúng ta hãy nghĩ đến nâng cao ý thức của người dân và giữ chân những loài bản địa cái đã.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Hồ Gươm từng thả sen và tự có chim bay về sinh sống tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].