Theo ThS. Đỗ Thị Thuý Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh ho gà có những dấu hiệu khởi phát tương tự như cảm lạnh thông thường nên nhiều bậc phụ huynh thường có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, tự mua thuốc uống hay áp dụng kinh nghiệm dân gian.
Điều này làm bệnh ho gà trở nặng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Vậy làm thế nào để nhận biết trẻ mắc bệnh ho gà và khi nào cần cho trẻ đi khám? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Bệnh ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên.
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em.
Biểu hiện chính của bệnh là ho cơn kèm theo đỏ mặt hoặc tím (cơn ho đặc biệt).
2. Đường lây truyền của bệnh ho gà
Bệnh lây trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp. Bệnh lây mạnh nhất trong giai đoạn viêm long, thông qua giọt bắn của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Trẻ sơ sinh và trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và gặp các biến chứng nguy hiểm.
3. Triệu chứng điển hình của bệnh ho gà
- Giai đoạn khởi phát:
Kéo dài từ 1 - 2 tuần với biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho nhẹ, chảy nước mũi, thường không sốt hoặc sốt nhẹ.
- Giai đoạn toàn phát:
Dấu hiệu chính là các cơn ho xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ: Ho rū rượi, thở rít, trở ra nhiều đờm trắng quánh dính, đỏ mặt, đặc biệt trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có những cơn ho ngắn, tím tái. Sau giữa các cơn ho trẻ có thể sinh hoạt bình thường.
- Giai đoạn hồi phục:
Kéo dài từ 1 - 2 tuần, cơn ho ngắn, số cơn giảm dần và ho có thể tồn tại vài tháng.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà
- Viêm phổi nặng, xẹp phổi, suy hô hấp
- Viêm não: Trẻ co giật.
- Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng: vô phế nang, tràn khí trung thất hoặc màng phổi.
- Biến chứng khác: Xuất huyết, kết mạc mắt, bầm tím dưới mí mắt, nguy hiểm nhất là chảy máu nội sọ.
5. Khi nào cần cho trẻ đi khám?
- Có nhiều cơn ho kéo dài, trong cơn ho có đỏ hoặc tím mặt
- Ăn kém, nôn trớ nhiều
- Ngủ ít
- Thở nhanh/ khó thở
6. Trẻ bị bệnh ho gà có thể chăm sóc tại nhà được không?
Trẻ mắc ho gà có thể được chăm sóc tại nhà khi: số cơn ho ít, thời gian mỗi cơn ho ngắn, trong cơn ho không tím mặt.
Cách chăm sóc trẻ bị ho gà tại nhà:
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành
- Cho trẻ nghỉ ngơi, yên tĩnh, tránh kích thích
- Đảm bảo môi trường sống tránh khói thuốc lá, bụi, hóa chất
- Vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày
- Tiếp tục cho bú mẹ, trẻ lớn ăn lỏng, dễ tiêu, ăn ít một, chia làm nhiều bữa
- Cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
7. Phòng tránh bệnh ho gà
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch
- Che miệng khi ho, hắt hơi
- Vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày
- Đảm bảo nhà ở, lớp học thông thoáng, sạch sẽ
- Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế và cách ly với những trẻ khác
(Theo Bệnh viện Nhi Trung ương)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Ho gà có nguy hiểm không? Khi nào cần cho trẻ đi khám? tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].