Siêu bão Mangkhut tấn công Hong Kong (Trung Quốc)
Siêu bão Mangkhut với cảnh báo cấp độ 10 được xem là mạnh nhất năm 2018 và có khả năng là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong suốt 60 năm qua.
Theo ghi nhận, sức gió của siêu bão Mangkhut ghi nhận được ở mức 170km/h, 165km/h và 145km/h lần lượt tại các khu vực Tate's Cairn - đỉnh núi có độ cao 583 mét; Cheung Chau - hòn đảo phía nam Lantau và Tai Mei Tuk. Sức gió ở tâm bão lần lượt đạt 216 km/h, 213 km/h và 176 km/h.
Sau khi càn quét phía nam Hong Kong, gây thiệt hại nặng về vật chất, siêu bão Mangkhut tiếp tục di chuyển về hướng bắc áp sát lục địa Trung Quốc và dự kiến đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông vào chiều tối nay, theo AFP.
Khi đổ bộ vào Hong Kong với sức gió lên tới 232 km/h, siêu bão Mangkhut khiến nhiều cây cối bị gãy đổ, đường phố tắc nghẽn do nước lũ trong khi nhiều tòa nhà cao tầng rung lắc, các cửa sổ kính bị vỡ nát do gió mạnh. Hơn 100 người bị thương.
Hàng trăm cư dân tại các làng chài ven biển của Hong Kong đã được sơ tán khi nước dâng cao và ngập lụt nhà cửa. Hầu hết các chuyến bay đến và rời đặc khu hành chính này đều bị hủy bỏ.
Philippines tan hoang sau siêu bão Mangkhut
Ngày 15/9, siêu bão Mangkhut đã quét qua miền bắc Philippines với sức gió lên tới hơn 205 km/h. Đây là trận bão mạnh nhất đổ bộ vào quốc gia này từ đầu năm, gây ra lở đất và lụt lội, làm hư hại hệ thống lưới điện.
Hiện số người thiệt mạng do ảnh hưởng của cơn bão là 14 người và vẫn có nguy cơ tiếp tục tăng. Lực lượng cứu nạn đang triển khai chiến dịch tìm kiếm tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bão.
Cập nhật tin bão mới nhất
Chiều 16/9, bão số 6 đã đổ bộ vào phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền ven biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (140km/giờ), giật cấp 15. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, đi sâu vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 23,4 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông tối nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; biển động rất mạnh.
Trong tối nay, ở vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ (phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông) có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m; Biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Bắc Biển Đông trong 12 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Vùng nguy hiểm trên Vịnh Bắc Bộ trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ đêm nay ở Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 16 giờ ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 23,9 độ Vĩ Bắc; 101,0 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Mai Hương (Tổng hợp)Bạn đang xem bài viết Hình ảnh tan hoang tại Philippines, Hong Kong sau khi siêu bão Mangkhut càn quét tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].