Tờ The Sun của Anh đã thuật lại câu chuyện kỳ diệu nhưng hoàn toàn có thật này qua lời kể của Joni.
Quyết định khó khăn: mổ lấy thai khi thai mới 19 tuần tuổi
Hôm đó là buổi hẹn đi siêu âm vào tuần thứ 19, tôi vô cùng hào hứng. Đây là thời điểm chúng tôi có thể biết giới tính của em bé.
Bạn trai của tôi, Chris đã xin nghỉ việc, vì thế anh ấy có thể đi cùng tôi đến gặp bác sĩ. Tôi đang học năm cuối đại học để trở thành giáo viên, còn Chris đang học và làm việc để lấy bằng kỹ sư.
Tôi mới hẹn hò với Chris được 6 tháng, tôi cũng không lên kế hoạch có thai, nhưng tôi chắc rằng Chris sẽ là một người cha tốt. Tôi cũng luôn luôn muốn sinh 3 hoặc 4 con, vì tôi rất yêu trẻ. Chúng tôi còn lên kế hoạch tổ chức một buổi tiệc để tiết lộ giới tính của em bé với gia đình và bạn bè.
Tại phòng của bác sĩ, tôi nằm trên giường để kỹ thuật viên dùng thiết bị siêu âm rà trên bụng. Tôi nắm tay Chris, không ngừng mỉm cười với anh ấy.
Thế nhưng, cả 2 chúng tôi đều sốc khi kỹ thuật viên nói rằng có điều gì đó không ổn, trong não của thai nhi có dịch và có nguy cơ phát triển một khối u ở lưng của thai nhi.
Bác sĩ chuyển chúng tôi đến Bệnh viện bà mẹ và trẻ em ở Columbia, Missouri – cách đó 1,5 giờ đi xe.
Sau vài xét nghiệm, chúng tôi lại được chuyển đến một bệnh viện lớn hơn, bệnh viện Barnes-Jewish. Ở đây các bác sĩ nói rằng thai nhi bị chứng nứt cột sống, tình trạng mà cột sống và tủy sống phát triển không bình thường.
Diễn biến bệnh sẽ hoàn toàn phụ thuộc và lỗ hổng ở cột sống. Nếu như lỗ hổng này mở ra ở phía trên cột sống, em bé có thể bị liệt chân và gặp vấn đề về di chuyển.
Chúng tôi gặp bác sĩ phẫu thuật, Michael Bebbington, để nghe ông nói về những gì ông có thể can thiệp.
Bác sĩ nói một phương án có tên là phẫu thuật mở thai nhi. Tức là bác sĩ sẽ mở tử cung của mẹ, đưa em bé ra ngoài để “đóng” lỗ hỗng ở cột sống em bé, sau đó lại đưa bé trở lại bụng mẹ để bé tiếp tục phát triển.
Bác sĩ Michael nói rằng chưa có một ca phẫu thuật nào tương tự từng được tiến hành ở bệnh viện này, và có một rủi ro nhất định khiến em bé có thể tử vong.
Nhưng, sau khi suy nghĩ thận trọng, tôi và Chris đã quyết định tìm một cơ hội. Nếu như chúng tôi có thể giúp em bé sống một cuộc sống dễ dàng hơn sau này, chúng tôi muốn làm điều đó.
Bữa tiệc cuối tuần sắp đến, tôi quá đau lòng khi nghe về chứng bệnh mà em bé mắc phải nên muốn bỏ buổi tiệc. Nhưng Chris đã thuyết phục tôi cứ tiến hành buổi tiệc thông báo giới tính em bé. Chúng tôi sắp có 1 bé trai và dự định đặt tên bé là Jackson.
15% các bé cần phẫu thuật như Jackson sẽ bị sinh non trước 30 tuần tuổi
Tiến sĩ Michael Bebbington, một chuyên gia về bà mẹ - thai nhi, tại Bệnh viện Barnes-Jewish cho rằng: “Ca phẫu thuật mà Jackson đã trải qua đã được tiến hành vài trăm lần trên thế giới…
Nguy cơ có thể xảy ra là sinh non. Khoảng 15% các bé được sinh ra trước khi được 30 tuần tuổi, 35% sinh ra vào khoảng 30 – 34 tuần tuổi. Thật may vì Jackson nằm trong nhóm đó”.
Bác sĩ cho biết thêm: “Có một nguy cơ nhỏ là bé sẽ tử vong do bị sinh non, hoặc tử vong trong, thậm chí sau phẫu thuật”. Vì vậy, quyết định tiến hành phẫu thuật thai nhi là điều khó khăn với tất cả các gia đình.
Ca phẫu thuật kép cho cả 2 mẹ con: 32 người trong một kíp mổ
Vào ngày 10/10/2017, khi Jackson đã đủ lớn để “trụ” được qua ca phẫu thuật, tôi lên bàn mổ.
Có tới 32 người trong phòng mổ. Bởi vì đây là phẫu thuật lần đầu tiên được thực hiện ở bệnh viện, các bác sĩ trong từng vai trò đều được nhân đôi. Hai bác sĩ gây mê cho tôi và Jackson, 2 bác sĩ phẫu thuật thần kinh và toàn bộ nhóm chăm sóc đặc biệt trẻ sinh non.
Bác sĩ đã cắt toàn bộ cơ ổ bụng, mở tử cung để đưa em bé ra ngoài. Họ rút chất dịch ối ra khỏi cột sống, sau đó “đóng” lại lỗ hổng ở cột sống của bé. Cuối cùng bé lại được đưa trở lại tử cung như trước.
Tôi đã bị co rút dữ dội khi phẫu thuật. Thật may, cuối cùng cũng kết thúc. Tôi đã vô cùng đau, đến mức không thể ngồi dậy nếu không có người hỗ trợ. Tôi thậm chí còn sợ sẽ làm vỡ tử cung của chính mình.
Thế rồi, sau đó 10 tuần, Jackson đã được sinh ra, khi được 30 tuần tuổi. Con trai chúng tôi nặng 1,8 kg và có 12 ngày được chăm sóc đặc biệt trong khu vực nuôi trẻ sinh non.
Tôi đã yêu từ giây phút đầu tiên nhìn thấy bé. Tôi ước giá như mình biết bé sẽ tuyệt đến thế, ngay khi tôi mới nghe cái chẩn đoán đáng sợ – tôi có thể đã rũ bỏ được tất cả những sợ hãi mà tôi từng có.
Jackson giờ đây đã rất khỏe mạnh, dù còn bé mà đã trải qua nhiều chuyện sóng gió. Mọi người hỏi rằng nếu mà bé được sinh ra 2 lần như vậy thì liệu có được tổ chức sinh nhật 2 lần không, tôi nghĩ là chúng tôi có thể đồng ý cho bé có 2 cái bánh kem.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Hi hữu: Mở tử cung đưa thai nhi ra ngoài phẫu thuật cột sống rồi trả lại bụng mẹ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].