Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi còn rất trẻ (độ tuổi dưới 40 tuổi). Cá biệt có trường hợp chỉ khoảng 20 tuổi gặp phải các biến chứng nặng nề sau đột quỵ. Nhất là trong thời tiết giá lạnh, nhiệt độ giảm sâu gây gia tăng số lượng bệnh nhân nhập viện vì căn bệnh trên.
Trước thực tế đó, các bác sĩ đưa ra những khuyến cáo, đột quỵ không còn là căn bệnh của người già mà nó đã tấn công sang những người trẻ tuổi. Đáng chú ý, biến chứng đột quỵ ở người trẻ nặng nề hơn rất nhiều so với người lớn tuổi.
Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, TS.BS Nguyễn Văn Doanh (Bệnh viện Thu Cúc) cho biết, sở dĩ có sự chủ quan là vì có những tín hiệu đột quỵ cơ thể phát ra nhưng người bệnh không nhận biết được. Bởi đột quỵ không có nhiều triệu chứng cụ thể. Chưa kể tới, những triệu chứng của bệnh thường dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì vậy, khi trở bệnh thì đã quá muộn.
Không ít bệnh nhân tử vong thương tâm chỉ vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết về bệnh. Hoặc có những người phải sống thực vật, suy giảm chức năng vận động hoặc rối loạn tinh thần.
Cũng theo bác sĩ, đột quỵ có rất nhiều thể và mỗi thể sẽ có những nguyên nhân khác nhau.
Với nhồi máu não là khi bệnh nhân gặp tình trạng có một mạch máu trong não bị tắc lại, từ đó một vùng não không được cấp máu gây ra các triệu chứng thần kinh. Thể do bản thân cục máu đông (có thể xuất hiện do chấn thương) di chuyển từ dưới cơ thể lên trên mạch máu não, gặp khu vực động mạch nhỏ gây tắc hoặc mạch máu bị “cặn” gây hẹp lòng mạch.
“Còn chảy máu não do một mạch máu trong não vỡ ra, máu tràn vào nhu mô não, còn chảy máu màng não do mỡ mạch máu ở khu vực nằm ngoài não. Thể xuất hiện khi mạch máu ở não bị suy yếu, vỡ ra, máu chảy trong não”, TS BS Nguyễn Văn Doanh chia sẻ.
Đánh giá về trẻ hóa đột quỵ, bác sĩ cho biết, giới trẻ đang gặp rất nhiều nguy cơ liên quan đến bệnh lý tim mạch như xơ vữa mạch, huyết áp cao... “Hiện nay, cuộc sống nhiều áp lực, nhiều stress gây ra tình trạng tăng huyết áp ở người trẻ tuổi. Hoặc do bản thân bệnh nhân sinh hoạt không tốt, ăn uống vô tội vạ, sử dụng các chất kịch thích gây ra tình trạng bị tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid từ đó gây ra xơ vữa động mạch nhiều hơn”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bác sĩ, thời tiết lạnh sâu, kéo dài cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ đột quỵ. “Có trường hợp bệnh nhân, khi vừa ngủ dậy, mở cửa ra bị ngã quỵ xuống. Đó là do cơ thể phản ứng với những thay đổi bất thường gây ra tình trạng như vậy.
Cụ thể, khi thời tiết lạnh, mạch máu ngoại vi co lại dồn khối lượng tuần hoàn vào động mạch trung tâm làm tăng huyết áp lên và có thể gây bục vỡ mạch. Ngoài ra, cơ thể có thể điều chỉnh co mạch ở vùng não để giảm lượng máu lên não. Tuy nhiên, khi co đúng chỗ hẹp gây tắc mạch luôn”.
Bên cạnh đó, vấn đề di truyền cũng là nguyên nhân khiến một số bệnh nhân trẻ tuổi gặp phải đột quỵ. Đây được xét vào nhóm nguy cơ không thể cải thiện, với những trường hợp này, khi gia đình có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch, mọi người cần khám bệnh định kỳ, xem xét những rối loạn, vấn đề gặp phải để điều chỉnh.
Riêng nhóm nguy cơ có thể cải thiện, theo bác sĩ, người trẻ tuổi cần ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, cần giảm tỉ lệ nguy cơ tiểu đường, tăng huyết áp… “Để làm được điều đó, mọi người cần ăn uống hợp lý, không sử dụng các chất kịch thích như rượu, bia, thuốc lá và nên sắp xếp cuộc sống thư giãn, tránh căng thẳng tinh thần, tránh stress...
Khi bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu tại một chỗ lâu ngày, kèm theo đó là dấu hiệu tê yếu chân tay cần thăm khám kịp thời tránh hậu quả đau lòng.
Với người phải làm việc dưới trời lạnh, cần giữ ấm cơ thể, tránh để cơ thể gặp lạnh đột ngột”, TS BS Nguyễn Văn Doanh nhấn mạnh.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Lối sống sai lầm khiến 20 tuổi cũng có thể đột quỵ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].