Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Chị là Lò Thị Nhung, 41 tuổi, ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Lấy chồng ở tuổi 33, chỉ đôi tháng ngay sau khi kết hôn, chị có tin vui. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi thai nhi được vài tháng đã chết lưu.
"Khi đó tôi hẫng hụt lắm vì thương con, thương chính hai vợ chồng vì luôn mong mỏi có con bế bồng. Hơn nữa, tại vợ chồng tôi đều đã lớn tuổi nên cũng lo việc sinh nở không thuận lợi, nên tâm trạng những ngày tháng đó thật mệt mỏi, hoang mang".
Từ năm 2012 tới năm 2015, cả 2 vợ chồng đều luôn động viên nhau cố gắng nhưng càng đợi, càng mong thì lại càng trống vắng. Ngôi nhà chị vẫn vắng tiếng cười trẻ thơ.
Bắt đầu từ năm 2015, anh chị bắt đầu tới một số bệnh viện thực hiện phương pháp IUI (Bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng cũng không có kết quả.
Chị Nhung bảo, dù cả chị lẫn chồng đều không ai nói ra, nhưng có thể cả 2 đều nghĩ "Hay vợ chồng mình vô duyên với đường con cái nên không thể có con" khiến đôi khi cả anh và chị đều thấy buồn bã.
Xin nghỉ việc không lương để bắt đầu hành trình tìm kiếm con yêu
Một ngày đầu năm 2016, chị đọc những thông tin về BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, những câu chuyện hạnh phúc vỡ òa của những cặp vợ chồng có hoàn cảnh tương tự khiến anh chị có thêm động lực.
"Ngay từ lần đầu tiên bước chân vào Bệnh viện tôi đã ấn tượng với khung cảnh và đội ngũ CB Y, Bác sỹ ở đây. Môi trường trong sạch, con người thân thiện, nhiệt tình, phong cách làm việc chuyên nghiệp từ bác trông xe, cô hộ lý, y tá, bác sỹ...
"Tôi được các bác sĩ tư vấn nhiệt tình, cặn kẽ, được giới thiệu các phương pháp có thể giúp vợ chồng tôi tìm thấy con. Không hiểu sao lúc đó trong tôi có một niềm tin rất mãnh liệt rằng, chính nơi đây sẽ mang con về bên cạnh vợ chồng tôi" - chị Nhung tâm sự.
Tháng 7/2016, hai vợ chồng chị Nhung bắt đầu thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Kết quả không như mong muốn, chị chuyển phôi tươi luôn nhưng không thành.
Để dành thời gian cho việc điều trị, từ tháng 4/2017, chị Nhung đã xin nghỉ không lương 6 tháng để chuyên tâm thực hiện các yêu cầu của bác sĩ.
5 lần gom trứng mới đủ làm thụ tinh trong ống nghiệm
Do tuổi cũng đã cao (>35), chỉ số dự trữ buồng trứng AMH thấp < 1 nên chị Nhung được tư vấn và tiến hành gom trứng để thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhưng sau khi trọc trứng 4 lần với 3 lần chuyển phôi, vợ chồng chị vẫn không thành công. Không nản chí, vợ chồng chị đi kiểm tra chuyên sâu hơn về sức khỏe của cả 2.
Chồng kiểm tra Phân mảnh ADN (32,3%: vượt quá ngưỡng cho phép - 20%) - được kê đơn thuốc về uống điều trị; Xét nghiệm Nhiễm sắc thể đồ của cả 2 vợ chồng - kết quả vợ bình thường, chồng - đa hình lặp đoạn dị nhiễm sắc vai dài nhiễm sắc thể số 1. (Chồng chị có sử dụng đơn thuốc kê uống và tiêm trong vòng hai tháng). Xét nghiệm rối loạn chuyển hóa của vợ - kết quả bình thường.
Tháng 9, 10 năm 2017, chị Nhung lại tiếp tục làm thêm lần nữa với hai lần trọc trứng trong hai tháng kết quả được 9 trứng, tạo được 5 phôi 1 tốt, 4 khá. Do nhiều lần chuyển phôi không thành công, chị được bác sỹ của bệnh viện Nam học tư vấn nuôi phôi lên ngày 5, kết quả sau đó chị may mắn vẫn còn được 2 phôi tốt ngày 5. Do niêm mạc không đạt yêu cầu nên chị trữ lại phôi không chuyển tươi.
Đến tháng 1 năm 2018, chị xuống bệnh viện kiểm tra và chuẩn bị chuyển nốt tốp hai phôi tốt ngày 5 còn lại duy nhất.
"Sau 5 ngày chuyển phôi mà không thấy biểu hiện gì khác tôi nghĩ lại không được rồi. Đến ngày thứ 7 sau chuyển phôi tôi quyết định thử máu, khoảng thời gian 2 tiếng chờ đợi kết quả dài như cả thế kỉ, cuối cùng trời không phụ lòng người kết quả Beta ngày 7 sau chuyển phôi của tôi > 135. Khi nhìn thấy kết quả của mình tôi khóc như một đứa trẻ" - chị Nhung xúc động khi nhớ lại.
Hạnh phúc của người phụ nữ được làm mẹ ở tuổi 41
Bế cậu con trai nhỏ trên tay, chị bảo: "9 tháng mang bầu, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc lắm. Hạnh phúc vô bờ bến, nhưng đôi khi cũng lo sợ vì 9 tháng 10 ngày để được đón con chào đời thực sự là quá dài.
"Tôi vẫn nhớ, mỗi lần đi khám thai định kỳ là một lần hồi hộp, háo hức, mong chờ và lo lắng. Và rồi, sự mong mỏi của hai vợ chồng chúng tôi đã có kết quả xứng đáng: Chúng tôi đã được bế trên tay, được ôm vào lòng cậu con trai bé bỏng, đáng yêu vào cuối năm 2018.
Chúc cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm con yêu đều đạt được kết quả mong muốn, đón được con yêu về với gia đình.
Để đạt được kết quả đó các bạn phải đặt trọn niềm tin vào Bệnh viện, vào trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ lành nghề nơi đây, niềm tin vào bản thân, cả hai vợ chồng cùng sát cánh, kiên trì điều trị rồi may mắn sẽ đến".
Việt LinhBạn đang xem bài viết Người phụ nữ hiếm muộn 5 lần 'gom trứng' thụ tinh ống nghiệm, vỡ òa khi sinh con ở tuổi 41 tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].