90.000 bác sĩ sẵn sàng chống dịch COVID-19
Theo Bộ Y tế, hiện đã có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng cả nước được điều động sẵn sàng tham gia chống dịch. Các y bác sĩ của Việt Nam hầu hết được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.
Trong kịch bản COVID-19 lan rộng, ngành y tế dự kiến sẽ huy động thêm sinh viên ngành y dược. Sinh viên năm cuối của các trường đại học y và dược sẽ được tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly, phụ việc cho các y bác sĩ. Dự kiến nhóm này sẽ có khoảng 16.000 người.
Bộ Y tế đã mở các lớp tập huấn trực tuyến về điều trị bệnh nhân mức độ nặng khác nhau, xây dựng kịch bản tiếp nhận và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân nhiễm nCoV.
Các bệnh viện trung ương, quân đội, công an và bệnh viện địa phương đều được yêu cầu lên "phương án nóng" sẵn sàng phục vụ chống dịch. Lực lượng bác sĩ, y tá về hưu, trung cấp y khoa cũng được tính đến trong bài toán về nhân lực y tế.
Ngành y tế đã phân tuyến điều trị bệnh nhân rất mạnh mẽ. Tuyến xã có thể theo dõi các ca bệnh, tuyến huyện có thể điều trị, chỉ những bệnh nhân nặng mới chuyển tuyến trung ương.
Về trang thiết bị y tế, hiện ngành có khoảng 3.000 máy thở ở các bệnh viện. Những bệnh viện cấp huyện cũng trang bị máy thở. Trường hợp dịch lan rộng, ngành y tế điều động máy thở ở nơi không có dịch đến nơi có dịch.
Ngành y tế cũng xây dựng kế hoạch mua sắm thêm vật tư y tế cần thiết như thuốc, máy móc, khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn... Số lượng giường bệnh hiện vẫn đảm bảo cho việc cách ly và điều trị cho các bệnh nhân.
Dự phòng các cấp độ chống dịch COVID-19
Tại Hà Nội cũng đang có các kịch bản chống dịch trước tình hình dịch bệnh gia tăng. Dịch cấp độ 1 và 2, các bệnh viện đã chuẩn bị 650 giường điều trị bệnh nhân, thuộc 41 bệnh viện công lập và 3 bệnh viện ngoài công lập.
Dịch bệnh ở cấp độ 3, số giường bố trí điều trị cách ly bệnh nhân là 1.290. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn, nhiều bệnh nhân hơn, ngành y tế có thể bố trí 4.040 giường bệnh. Trong đó, 50% giường bệnh huy động ở các bệnh viện đa khoa, còn lại tập trung tại bệnh viện dã chiến.
Những ngày tới công dân từ các nước châu Âu về đông, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm tiếp đón, cách ly.
Khu tái định cư Thượng Thanh (quận Long Biên) có 427 căn hộ có thể cách ly được khoảng 2.000 người. Khu nhà ở sinh viên tại phường Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai có thể đáp ứng 2.000 trường hợp. Bệnh viện đa khoa Mê Linh được thành phố sửa lại với mục đích phục vụ 200 bệnh nhân.
Ngoài ra, cơ sở vật chất sẵn có ở các trường dạy nghề ở Phú Xuyên, Sơn Tây, Chương Mỹ... cũng có thể được sử dụng.
Còn tại TP.HCM, thành phố yêu cầu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch căn cứ theo sự hướng dẫn của Sở Y tế TP chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng sinh viên năm cuối của trường và đội ngũ y, bác sĩ trẻ tuổi của Hội Thầy thuốc trẻ TP sẵn sàng tham gia tình nguyện phòng, chống dịch bệnh khi có yêu cầu.
Trước đó, tại cuộc họp giữa lãnh đạo TP.HCM với hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, lãnh đạo các trường đại học đã đề xuất cho sinh viên ngành y sớm đi học trở lại. Lý do sinh viên y khoa, đặc biệt là sinh viên năm cuối, là đối tượng có kiến thức, kỹ năng tốt về y tế, có thể bổ sung vào lực lượng phòng chống dịch khi thành phố cần.
Các trường cũng đề xuất những bệnh viện trên địa bàn nên tạo điều kiện cho sinh viên y khoa vào thực tập để trang bị thêm kỹ năng cần thiết về chống dịch, sẵn sàng tiếp ứng khi dịch lan rộng.
N.AnBạn đang xem bài viết 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng cả nước sẵn sàng tham gia chống dịch COVID-19 tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].