Ẩm thực Việt vốn luôn được ưu ái ở Manhattan. Vì thế, khi hai quán ăn này mở cửa vào tháng Một năm nay, với nguyên tắc tôn trọng mà không mất tính sáng tạo đối với các món ăn truyền thống, họ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thực khách.
Đến với nhà hàng Hà Nội House tại East Village, bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn Việt Nam, trong đó có phở Bắc. Người tinh ý sẽ nhận ra, nước dùng được ninh từ xương và sá sùng khô, trong vắt, ngọt lịm nhưng khi ăn không kèm rau thơm, không vắt chanh như các quán ăn khác mà dùng dấm tỏi.
Ngược lại với Hà Nội House, nhà hàng Madame Vo chuyên phục vụ phở Nam. Nước dùng ở đây cũng ngọt từ xương nhưng có thêm đường phèn và các loại gia vị khác, một sự kết hợp có thể khiến những người miền Bắc không mấy hài lòng. Bên cạnh bát phở là một đĩa bày rau thơm, chanh, vài lát ớt đỏ, giá đỗ cùng chai tương ớt và nước mắm.
Đầu bếp của nhà hàng Madame Vo, anh Jimmy Lý đã kết hợp hương vị phở được nấu ở Đồng bằng sông Cửu Long – nơi mẹ anh sinh ra và Vịnh Thái Lan, quê hương của mẹ vợ anh.
Có lẽ vì thế, hương vị phở của Madame Vo đậm đà và tinh tế hơn rất nhiều so với những quán phở ở khu phố Tàu. Không để miếng to như các nơi khác, thịt bò (chủ yếu là nạm và gầu) được thái thành các dải mỏng, mềm mại và như tan từ từ trong miệng.
Hai nhà hàng này có thể được coi là “một chín một mười”, khó mà so sánh được phở ở bên nào ngon hơn.
Anh Johnny Nguyễn, 42 tuổi, bếp trưởng của Hà Nội House là con của một cặp chồng Nam – vợ Bắc. Anh được sinh ra ở Sài Gòn ngay trước khi Giải phóng miền Nam và vài năm sau, gia đình anh sang Mỹ sinh sống.
Anh đã từng đi lang thang khắp nơi, làm đầu bếp ở các nhà hàng hạng sang từ miền Đông sang miền Tây nước Mỹ. Khi anh đang quản lý một nhà hàng hải sản tại Tứ Xuyên thì gặp được Sara Leveen và Ben Lowell, chủ của Hanoi House, khi ấy đang tìm đầu bếp cho nhà hàng.
Ngoài phở bò, nhà hàng còn phục vụ nem rán, bánh xèo, cháo trai và bò lúc lắc. Đặc biệt, họ cũng rất tự hào về món bún chả, với độ nổi tiếng không hề thua kém phở.
Không gian nhà hàng hơi tối với những cánh cửa chớp cổ và tường lát gạch đỏ, gợi lại cho chúng ta về đường nét kiến trúc Pháp. Trên nhà bếp có treo các poster tuyên truyền mà bà Leveen và ông Lowell đã mua làm quà lưu niệm khi đến Hà Nội.
Họ cũng mang về đây cảm hứng từ món tráng miệng truyền thống của Việt Nam: Chè. Món quà vặt phổ biến của người Việt được biến tấu thành một loại kem: Ở dưới cùng là những quả vải tươi ngon, lớp trên là mứt dừa và mứt gừng rưới sữa đặc cùng sữa dừa, tiếp đó là một tầng thạch aiyu và sương sáo đen, cuối cùng là một viên kem rắc dừa nạo.
Còn theo anh Jimmy Lý, mọi món trong thực đơn của nhà hàng Madame Vo đều là một phần của gia đình anh, với sự góp công góp sức của tất cả mọi người.
Cha mẹ anh di cư sang Mỹ sau chiến tranh. Anh bỏ học Đại học để giúp bố mẹ mở quán bánh mỳ Paris Sandwich, sau này trở thành một chuỗi hàng ăn nho nhỏ với ba cửa hàng và hai xe đồ ăn.
Vợ anh, chị Yến Võ hay còn gọi là Madame Võ, sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan và lớn lên ở vùng vịnh. Bữa phụ của chị sau giờ học hồi đó là nửa quả bơ với sữa đặc giờ đây đã trở thành một món sinh tố nổi tiếng của nhà hàng Madame Vo.
Nhà hàng cũng có một thức uống đặc biệt khác là nước vải với thạch lô hội, lấy cảm hứng từ thức uống yêu thích của mẹ và dì chị Yến.
Chị Yến kể, một số truyền thống của gia đình chị rất kỳ lạ. Trong khi người ta cho nước cốt dừa vào bánh xèo thì nhà chị dùng bia. Món sốt bơ đi kèm với cua lột rang muối của mẹ chồng chị cũng rất đặc biệt, nhưng chị bảo đây là công thức “bí truyền” của riêng bà, đến chị cũng không được biết.
Khác với Hà Nội House, Madame Vo có một vẻ sáng sủa và hiện đại, bàn ăn lát đá hoa cương, trên bậu cửa có tượng mèo thần tài và những lon Café du Monde đã ngả vàng, thứ cà phê làm từ rễ rau diếp xoăn gắn bó với tuổi thơ của chị Yến ở Mississippi.
Một cái xích lô bằng gỗ màu đỏ đặt làm ở Việt Nam để ngay gần cửa ra vào, trên tường là bức tranh một người phụ nữ đang đội nón lá, nhìn khá giống chị Yến.
Là đầu bếp nấu các món ăn truyền thống, rất khó để làm vừa lòng những thực khách đã hiểu quá rõ những món ăn đó.
Ví dụ, miếng tiết trong món bún bò Huế ở nhà hàng Hà Nội House được nấu quá lâu và mất hết vị. Còn ở Madame Vo, họ không cho tiết vào món này vì hai vợ chồng không thích ăn tiết. Họ cũng không dùng mắm tôm vì mùi quá nồng, mặc dù nhiều người cho rằng mắm tôm sẽ làm món ăn “chuẩn vị” hơn.
Điều đặc biệt là các thực khách người Mỹ gốc Việt đến đây thường nhận xét đồ ăn không ngon như mẹ họ nấu, thế nhưng chẳng ai bỏ thừa thậm chí một cọng rau và luôn phấn khởi khi ra về.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Hai quán ăn Việt “làm mưa làm gió” giữa lòng New York tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].