Làn sóng thứ nhất: Xuất khẩu xe
Những ngày cuối năm 2020, cảng Chu Lai, Quảng Nam thêm bận rộn vì hàng loạt container ô tô và linh kiện phụ tùng của Thaco được đưa lên tàu để xuất khẩu. Tổng kết năm 2020, với hơn 1.400 ô tô các loại, và hàng nghìn tấn linh kiện, phụ tùng đã đem về cho Thaco gần 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
Quý I năm 2021, Thaco đã xuất khẩu hơn 200 ô tô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, gồm xe du lịch Kia, xe bus và sơmi rơmoóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc KCN Thaco Chu Lai. Đây cũng là cơ sở để Thaco tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2021 xuất khẩu khoảng 2.500 xe, bao gồm gần 1.800 xe du lịch, hơn 70 xe tải và bus, hơn 630 Sơmi rơmoóc.
Xuất khẩu ô tô sang Thái Lan là làn sóng ngược của nước ta vốn chỉ có dòng chảy ô tô từ Thái Lan sang Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài việc là trung tâm sản xuất ô tô lớn của Đông Nam Á thì chính sách và thủ tục nhập khẩu vào Thái Lan khắt khe hơn các thị trường khác nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, khi Atiga mở ra, nhiều mẫu xe của Thaco có tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, nên đã cạnh tranh được tại thị trường Thái Lan.
Mẫu xe Kia Grand Carnival do Thaco sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng Kia toàn cầu và tỷ lệ nội địa hóa trên 40%; mẫu xe bus của Thaco xuất khẩu sang Thái Lan cho Công ty VOLVO Buses - nhà sản xuất xe bus lớn nhất thế giới thuộc VOLVO Group.
Mẫu xe này đáp ứng được yêu cầu của VOLVO về công nghệ, chất lượng, độ an toàn và giá cạnh tranh; đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% và đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận tại Thái Lan (về thiết kế, về kích thước, các chứng nhận ECE...), nên được VOLVO Buses tại Thái Lan lựa chọn nhập khẩu và phân phối.
Trước đó, Thaco đã xuất khẩu xe bus với tỷ lệ nội địa hóa trên 60% sang Philippines, Thái Lan, Singapore, xe du lịch, xe tải có tỷ lệ nội địa hóa 40% sang Thái Lan, Myanmar, Campuchia.
Làn sóng thứ hai: Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Ai cũng biết Thaco xuất khẩu nhiều loại xe sang các nước ASEAN, trong đó có Thái Lan, một trung tâm sản xuất ô tô của Đông Nam Á; và ai cũng biết xe du lịch, xe bus, xe tải của Thaco cạnh tranh được là nhờ tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên, điều kiện để hưởng thuế suất 0%.
Nhưng vì sao Thaco thành công trong gia tăng tỷ lệ nội địa hóa? Trong khi ngay cả Toyota Việt Nam, doanh nghiệp FDI dẫn đầu về tỷ lệ nội địa hóa hiện nay cũng chỉ đạt từ 19% đến 37% tùy theo từng loại xe?
Vì sao trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc trong nội khối ASEAN giảm về 0% từ đầu năm 2018 theo Hiệp định Atiga, nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam chuyển sang nhập khẩu, phân phối thì Thaco tiếp tục mở rộng làn sóng ngược thứ hai, gia tăng đầu tư sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thực hiện chiến lược xuất khẩu sang khu vực?
Để trả lời những câu hỏi trên, trước hết cần làm rõ câu chuyện, vì sao gia tăng tỷ lệ nội địa hóa xe ô tô ở Việt Nam khó thế? Gần như chỉ có Thaco thành công, và sắp tới có thể là Vinfast! Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô của Việt Nam hiện nay còn quá nhỏ bé, năm 2020 chỉ tiêu thụ gần 300 ngàn xe, bằng 1/4 Thái Lan và 1/5 Indonesia. Trong khi đó, để làm ra một chiếc ô tô, phải cần từ 30.000 - 40.000 chi tiết, linh kiện, nên đầu tư vào sản xuất linh kiện sẽ không cạnh tranh được.
Với Thaco cũng vậy, nếu đầu tư chỉ để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ thất bại. Nên ngay từ khi bắt đầu đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai năm 2003, Thaco đã xây dựng chiến lược song trùng: gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đi đôi với xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô.
Hiện nay, Thaco đã xuất khẩu linh kiện ô tô, phụ tùng ô tô sang các thị trường chính gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Philippines, Kazakhstan, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Australia, Đức. Kim ngạch xuất khẩu ô tô và linh kiện, phụ tùng ô tô của Thaco xêm xêm nhau, khoảng 30 triệu USD/năm của mỗi loại.
Đi bằng cả hai chân nên sản lượng của 12 nhà máy sản xuất linh kiện - phụ tùng và Tổ hợp Cơ khí, không chỉ có ý nghĩa cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của Thaco và các doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài mà còn đạt sản lượng ở quy mô đủ lớn để có giá bán cạnh tranh; giúp Thaco hiện thực hóa 2 làn sóng ngược ngoạn mục.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Hai 'làn sóng' ngược đưa Thaco tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].