Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 247 trường hợp mắc sốt xuất huyết, với nhiều ổ dịch nhỏ rải rác, trong đó 2 ổ dịch có nguy cơ bùng phát là tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) và xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai).
Chỉ riêng trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội), hiện đã ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết, với 33 trường hợp mắc, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tại xã Thanh Thùy có 18 ca mắc SXH, phân bố tại 4/6 thôn. Các ổ dịch còn lại trên địa bàn huyện này gồm xã Tam Hưng (2 ổ dịch) và tại một số xã như Phương Trung, Dân Hòa, Kim An, Cao Dương.
Liên quan đến tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức phát động hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2020".
Thông tin tại lễ phát động cho biết, trung bình hằng năm trên địa bàn Hà Nội ghi nhận từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đặc biệt năm 2017 dịch bùng phát với 37.651 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, dù hiện tại số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhiều so với cùng kỳ của năm 2019 nhưng với diễn biến thời tiết mùa hè, nắng nóng mưa nhiều như hiện nay thì dịch bệnh này sẽ có thể gia tăng trong thời gian tới.
Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là:
- Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.
- Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
- Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng trên 20º C.
Người mắc sốt xuất huyết thường có các biểu hiện như: Sốt cao đột ngột trên 38 độ C, kéo dài trong 2 – 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu, có thể có dấu hiệu phát ban, không kèm theo ho, sổ mũi. Thể nặng còn kèm theo các dấu hiệu xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, tay tê liệt, nặng hơn có thể bị hôn mê dẫn đến tử vong.
Hơn nữa, bệnh sốt xuất huyết có thể gây thành dịch lớn làm nhiều người mắc cùng lúc, gây khó khăn cho việc chăm sóc và điều trị, giảm sức lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình và xã hội.
Chính vì vậy, khi có biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà vì rất dễ khiến bệnh trở nặng. Bởi người mắc sốt xuất huyết có thể bị cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, người bị sốt xuất huyết không được tự ý dùng những thuốc hạ sốt, giảm đau chống chỉ định với bệnh sốt xuất huyết như aspirin, mefenamic acid, ibuprofen...
Mặc dù những thuốc này có chức năng hạ sốt nhưng lại có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu, khi dùng để điều trị sốt xuất huyết thì sẽ gây kích ứng xuất huyết dạ dày dữ dội, giảm tiểu cầu, khó cầm máu khi bị xuất huyết, có thể rối loạn đông máu.
Người mắc sốt xuất huyết cũng không nên tự ý truyền dịch. Bởi vì truyền dịch tùy tiện, nhất là trong giai đoạn hồi phục, rất nguy hiểm vì có thể gây thừa dịch, phù phổi hoặc suy tim.
Bệnh nhân sốt xuất huyết được khuyên uống nhiều nước oresol, nước trái cây. Tuy nhiên, khi pha oresol, một số người không đọc hướng dẫn sử dụng nên pha không đúng liều lượng, pha ít nước hơn so với hướng dẫn, dẫn đến tình trạng rối loạn nước điện giải. Có bệnh nhân uống ít nước oresol trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều trong giai đoạn hết sốt, gây hiện tượng thừa nước, có thể dẫn đến phù phổi cấp.
Phòng bệnh sốt xuất huyết thế nào cho hiệu quả?
Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh. Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…) để diệt loăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
– Phòng chống muỗi đốt:
Mọi người nên ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
– Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, phòng ngừa bệnh thế nào cho hiệu quả? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].