Hà Nội: Tập trung nguồn lực, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân vùng bãi sông Hồng sơ tán đảm bảo an toàn

Từ ngày 9 - 11/9, mực nước sông Hồng liên tục dâng cao khiến nhiều khu dân cư ở quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên… bị ngập. Nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, các địa phương nêu trên đã tập trung mọi nguồn lực, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.

Vận động, hỗ trợ người dân vùng bãi sông Hồng sơ tán

Thông tin với báo chí sáng 11/9, đại diện lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, phường Phúc Xá là địa bàn tập trung đông dân nằm ở vùng thấp sát sông Hồng, cư trú chủ yếu trong các nhà tạm, kết cấu không đàm bảo. 

Đến 22 giờ đêm ngày 10/9, quận Ba Đình đã hoàn thành di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu dọc bờ vở sông Hồng thuộc phường Phúc Xá đến Trung tâm GDNN - GDTX số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch).

Để người dân yên tâm tại nơi ở tạm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối; các hội đoàn thể, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm; đặc biệt lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt; một khách sạn 5 sao trên địa bàn nhận cung cứng các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng...

Quận Ba Đình đã hoàn thành di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu phường Phúc Xá khỏi nơi nguy hiểm.

Quận Ba Đình đã hoàn thành di dời 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu phường Phúc Xá khỏi nơi nguy hiểm.

Tại quận Hoàn Kiếm, phường Chương Dương và phường Phúc Tân là 2 phường bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước lũ dâng cao trên sông Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nguy cơ mất an toàn sức khỏe và tính mạng con người. Bờ vở sông Hồng trên địa bàn 2 phường có chiều dài 2,6km, nguồn gốc đất là bãi bồi và khu vực bờ vở sông Hồng, phần bãi giữa đã ngập hoàn toàn.

Đến 17 giờ ngày 10/9, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thông báo, vận động sơ tán 379 hộ dân tại 2 phường Chương Dương và Phúc Tân. Theo đó, địa bàn phường Chương Dương vận động sơ tán 126 hộ, trong đó có 120 hộ tự sơ tán và 6 hộ đề nghị hỗ trợ sơ tán về địa điểm tránh trú. Phường Phúc Tân vận động 253 hộ thuộc 16 tổ dân phố, trong số này có 17 hộ khó khăn cần hỗ trợ và 15 hộ đã tự di chuyển, 2 hộ được chuyển về địa điểm chăm sóc của phường tại 360 Phúc Tân…

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Long Biên, tính đến 17 giờ ngày 10/9, khu vực trong đê ngập 9 tuyến đường: Ngọc Lâm, Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Hoàng Như Tiếp, Vũ Xuân Thiều, Hoa Lâm, Đức Giang, Nam Đuống, Khai Sơn.

Thực hiện Công điện số 13 của UBND thành phố Hà Nội, quận đã triển khai công tác rà soát các khu vực dân cư ngoài bãi bị ảnh hưởng của nước lũ dâng cao (báo động số 1, 2). Cụ thể, có tổng số 2.460 hộ với 8.954 nhân khẩu của 7 phường phải thực hiện di dời do nước sông Hồng đang dâng cao. 

Đến 17 giờ ngày 10/9, quận đã thực hiện cảnh báo và di dời 172 người, trong đó có 142 người dân phường Ngọc Thụy và 30 người dân phường Long Biên. Song song với di dời người dân tại các vùng ngập sâu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo UBND các phường tiếp tục rà soát và thực hiện di dời ngay các hộ dân trong vùng nguy hiểm khi tình huống phát sinh thêm…

Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân

Trước tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra và tình hình nước sông Hồng dâng cao, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp và chỉ đạo:

Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, không được để vỡ đê, hồ đập, cầu, cống, các công trình trọng điểm, cơ sở y tế, trường học, khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, các dự án đang thi công dở dang, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp trên các bãi sông...

Bố trí lực lượng ứng trực 24/24h; chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo thực chất, an toàn, hiệu quả. Huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ.

Theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch chủ động, thậm chí khi cần cưỡng chế sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, xung yếu, nhất là các khu chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi ở có nguy cơ đổ sập, khu vực ven sông, suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 3 không để ai bị mất an toàn.

Đảm bảo bố trí đủ về chỗ ăn, ở, nước sạch, môi trường và điều kiện thiết yếu cho người dân trong thời gian sơ tán. Khẩn trương gia cố, sửa chữa các công trình, nhà cửa, các chung cư cũ, nhà yếu... để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho người dân.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính