Tham gia hội thi có 17 đội đến từ 7 huyện thị xã trên địa bàn thành phố, gồm: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn. Kết quả, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đoạt giải Đặc biệt. Giải cây mít ngon Nhất được trao cho chủ hộ Đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ.
Đây cũng là lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức Hội thi mít quy mô cấp Thành phố. Hội thi nhằm quảng bá, giới thiệu các giống mít đặc sản của Hà Nội, đồng thời tuyển chọn các giống mít có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt để đưa vào quản lý và khai thác. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng mít.

Hà Nội tổ chức Hội thi mít quy mô cấp Thành phố.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết: Sơn Tây - mảnh đất hai vua gắn với bề dày lịch sử của văn hóa xứ Đoài, với thổ nhưỡng của dẻo đất vùng bán sơn địa đặc trưng là đá ong - nguồn cung cấp dồi dào các loại vi lượng, đã hun đúc cho các loại cây trồng và đặc biệt là cây mít có hương vị múi thơm ngon, giòn ngọt tinh túy và gỗ mít chất lượng cũng tốt khác biệt so với các vùng trồng khác.
Chính vì vậy, việc phát triển trồng mít đối với Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng không chỉ là phát triển kinh tế mà còn là một trong những nội dung quan trọng kết nối của các tour tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, làng nghề và trải nghiệm với du khách trong nước và quốc tế.
Hà Nội hiện nay có 1.135 ha trồng mít, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm. Các giống mít được trồng khá đa dạng và phong phú về chủng loại, bên cạnh những giống mít truyền thống đặc sản của Hà Nội như: Mít dai Sơn Tây; mít dai Cổ Loa - Đông Anh; mít Na Ba Vì..., còn có một số giống mít nhập nội với đặc điểm ra quả sớm, quả sai như mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ.
Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như: Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai… Hà Nội có 28 cây mít chất lượng cao, có tuổi đời từ 80 đến trên 100 năm, đặc biệt có cây mít cổ thụ tại Cổ Loa - Đông Anh đã được công nhận là cây di sản Quốc gia với trên 500 tuổi.
Rất nhiều các sản phẩm đã được chế biến từ mít, nhiều sản phẩm chất lượng đã đạt chứng nhận OCOP như mít khô, mít sấy, làm nguyên liệu các món chè, xôi mít, nhút, đồ chay… đây đều là sản phẩm thân thuộc gắn với nông thôn Hà Nội cũng như người dân Việt Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được tạo ra từ gỗ mít mang lại giá trị kinh tế cao như nhà cổ truyền thống, tượng, đồ trang trí...

Hà Nội: Tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ giống mít đặc sản.
Sự kiện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa, làng nghề, nông nghiệp, nông thôn tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Thành phố; quảng bá giới thiệu tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội; hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ thể đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, là điểm tựa để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn bền vững, phát triển chế biến sâu, chế biến tinh gắn với du lịch là tiền đề hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, sự kiện còn mang tới cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề có chất lượng cao, đảm bảo an toàn với giá cả hợp lý.
V.AnhBạn đang xem bài viết Hà Nội: Tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ giống mít đặc sản tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
