Hà Nội: Gần 6.500 ha lúa và rau màu bị ngập úng sau bão số 3

Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp Thủ đô, với 24.842 ha lúa bị đổ; lúa bị ngập 2.476 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046 ha…

Trước tình hình cấp bách của tình hình lũ lụt trên địa bàn Thành phố, sáng 10/9, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về công tác ứng phó với mưa bão, lũ lớn trên các sông trên địa bàn Thành phố.

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 7h00 ngày 10/9/2024, 24.842 ha lúa bị đổ; lúa bị ngập 2.476 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924 ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453 ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550 m2; gia súc bị chết 29 con; gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gẫy đổ 110.133 cây...

Hàng nghìn hecta lúa bị ngập nước sau bão số 3. Ảnh minh họa

Hàng nghìn hecta lúa bị ngập nước sau bão số 3. Ảnh minh họa

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, mực nước tại một số sông và các trục tiêu lớn trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao.

Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao, hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn (Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cà, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn,..).

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ sáng sớm nay đến sáng 12/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 250mm.

Trước tình hình trên, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.  

Hiện, công tác phòng chống lụt bão ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và các địa phương đã rất chủ động. Tuy vậy, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu tiếp tục chủ động từ sớm, từ xa; thực hiện đúng phương án 4 tại chỗ để giảm thiểu thiệt hại đặc biệt về con người.  

Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Xây dựng huy động lực lượng để xử lý cây xanh với tinh thần nhanh nhất để “bộ mặt” đô thị trở lại như bình thường. Các vấn đề liên quan đến thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3, Thành phố giao Sở Y tế và cấp ủy chính quyền các địa phương chủ trì. 

Liên quan đến các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương phải nắm chắc được diễn biến tình hình; triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương đến Thành phố. Kiểm tra, rà duyệt lại trang thiết bị vật tư cho phòng chống thiên tai để bảo đảm từ sớm, từ xa, 4 tại chỗ khi cần theo kịch bản.  

Nhấn mạnh dự báo tình hình mưa lũ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý các địa phương nằm bên sông, đặc biệt là khu vực vùng bãi Hồng, nhiều hộ dân canh tác hoa màu. Không loại trừ các tình huống nước dâng lên cao nhưng người dân tiếc của, cố thu hoạch nông sản sẽ rất nguy hiểm. Do đó cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ người dân để thu hoạch nông sản, bảo đảm an toàn cao nhất về con người. Đối với các địa phương như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai thường xuyên bị ngập lụt do lũ rừng ngang và nước sông Bùi, sông Tích dâng cao; một số khu dân cư ven sông Hồng cần có phương án di dời gia súc, gia cầm và cả người khi có nguy cơ ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động hơn nữa các phương án khi tình huống nước trên các sông vẫn lên thì di chuyển gia súc, gia cầm; di dân một phần hoặc di dân toàn bộ. Tại các huyện Chương Mỹ và Quốc Oai, chủ động các phương án khi nước lên cao di dời toàn bộ người dân.

Các địa phương nơi sông Hồng đi qua cần chủ động tuyên truyền để người dân nắm được tình hình mưa lũ để không bị động, bất ngờ; chủ động các phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai có đồi núi cao, khi có nguy cơ sạt lở phải di dời dân ngay.  

Về lâu dài, ông Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý phải tính toán kỹ hơn đến các vấn đề như tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực ven sông thường xuyên bị ảnh hưởng có phương án di dời bằng các cơ chế đặc thù của Thủ đô để bà con ổn định đời sống.

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính