Khối Mầm non - nổi bật mô hình trường hiện đại, lấy học sinh là trung tâm
Ghi nhận trong ngày đầu tiên xét giải đối với khối Mầm non và Phòng Giáo dục có 34 hồ sơ được chọn tham dự. Nội dung các báo cáo tập trung chủ yếu vào việc đổi mới trong công tác quản lý; xây dựng mô hình trường chuẩn, trường chất lượng cao; xây dựng môi trường giáo dục lấy học sinh làm trung tâm; ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy…
Trong đó, các sáng kiến: “Ngày hội trứng” của cô Trần Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cát Linh; “Đưa phụ huynh học sinh cùng tham gia giao lưu và trải nghiệm các hoạt động của trẻ tại trường” của cô Nguyễn Huỳnh Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng chuyên môn.
“Tôi đánh giá cao sáng kiến “Ngày hội trứng” của cô Trần Thanh Tú. Đối với trẻ mầm non việc học chủ yếu qua chơi, qua trải nghiệm rất hiệu quả, phù hợp với khoa học giáo dục hiện đại.
Từ quả trứng, học sinh được trải nghiệm, sáng tạo ra nhiều thứ, trải nghiệm nhiều công đoạn phù hợp với từng lứa tuổi như: bóc trứng, làm và trang trí món ăn từ trứng, làm thí nghiệm với trứng, trình diễn thời trang, tạo hình…
Hiệu quả ở chỗ, ngày hội giúp gần 500 em học sinh được trực tiếp tham gia trải nghiệm và lôi kéo được cả phụ huynh vào”, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.
Ở khối Mầm non cũng nổi lên nhiều sáng kiến từ mô hình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, thân thiện với đầy đủ quy trình khép kín: vườn rau - chuồng trại phục vụ cho hoạt động trải nghiệm thực tế; các phòng chức năng; khu vui chơi…
Tiêu biểu như: trường Mầm non Mai Dịch (Cầu Giấy), trường Mầm non Vân Nam (Phúc Thọ), trường Mầm non Minh Trí A (Sóc Sơn).
Khối Tiểu học - sáng kiến nhỏ nhưng chất
Ngày chấm thứ hai đối với khối Tiểu học cho thấy, sáng kiến trong các hồ sơ tham dự xét giải có chiều sâu chuyên môn. Thông qua thực tiễn giảng dạy, các nhà giáo đã nảy sinh các sáng kiến thiết thực, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học.
Tiêu biểu như: Sử dụng đồ tái chế làm đồ dùng học tập của cô Lê Thùy Minh, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình); Tìm hiểu, giúp đỡ, kèm cặp các em học sinh bị tăng động, giảm tập trung tại lớp chủ nhiệm của cô Phạm Thị Thanh Huệ, Tiểu học Phù Lỗ A (Sóc Sơn)...
Với việc tự tìm hiểu, giúp đỡ và áp dụng các phương pháp phù hợp để học sinh bị tăng động, giảm tập trung dễ dàng hòa nhập với bạn bè cùng lớp, cô Phạm Thị Thanh Huệ đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao Hội đồng chuyên môn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, thành viên Hội đồng chuyên môn cho rằng, cô Huệ đã rất chủ động hướng dẫn, kèm cặp ngoài giờ cho học sinh đặc biệt đồng thời hạ mức đánh giá đối với các học sinh này so với mặt bằng chung. Đây cũng là sự sáng tạo linh hoạt ở trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ nhiệm UBKT Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, thay đổi cũng là sáng tạo chứ không nhất thiết phải là cái gì đao to búa lớn, hình thức.
Sáng tạo có thể là những thứ đơn giản, dễ làm, thực tế nhưng nó có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường, phụ huynh, đến chương trình.
Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn. Vì vậy, trong quá trình xét giải, Hội đồng chuyên môn cũng sẽ căn cứ vào từng sự thay đổi cụ thể để đánh giá.
Khối THCS - cụ thể hóa những sáng tạo chuyên môn
“Chất lượng hồ sơ tham dự đồng đều, dày dặn, có những điểm sáng và tạo nên sự khởi sắc rõ nét của Giải thưởng năm nay”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định sau ngày xét giải dành cho khối THCS.
Đặc biệt ghi nhận, trong ngày xét giải cho khối THCS, sáng kiến không còn chỉ nằm trong ý tưởng, trên giấy tờ mà đã được các thầy cô tâm huyết hiện thực hóa thành sản phẩm cụ thể.
Điểm sáng có thể kể đến như: Máy chiếu vật thể đa năng của thầy Đàm Bạch Long, trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm); Chương trình “Văn vui vẻ” dành cho học sinh của cô Phạm Thị Thu Hà, trường THCS Chu Văn An hay hàng loạt sáng tạo trong phương pháp: dạy theo trạm, dạy học sinh học theo dự án nhỏ (dự án vật lý và âm nhạc, dự án tác dụng của dòng điện...), phương pháp đóng vai… cùng nhiều sản phẩm trực quan tự chế phục vụ cho môn học như: kính tiềm vọng, lắp đặt ròng rọc, bộ thí nghiệm chưng cất nước… của cô Nguyễn Thị Mai, THCS Mai Dịch (Cầu Giấy)...
Đánh giá về chất lượng hồ sơ chung qua 3 ngày xét giải, bà Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết, chất lượng hồ sơ tham dự năm nay tương đối đồng đều.
Các cơ sở giáo dục, các trường đã hiểu rõ hơn về mục đích và tiêu chí của Giải thưởng, từ đó chọn ra những nhà giáo tiêu biểu nhất, trúng nhất.
Ngày 22/10/2018, sau các báo cáo của khối THPT, việc xét giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 2 sẽ chính thức khép lại. Dự kiến, Giải thưởng sẽ được trao cho các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo nhân dịp kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Nguyễn HươngBạn đang xem bài viết Hà Nội: Gần 100 giáo viên dự xét giải 'Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].