Hà Nội: Chọc phá tổ ong, 5 người bị ong đốt gây sốc phản vệ, xử lý sao khi bị ong đốt?

Do đốt phá tổ ong, một nhóm 5 người ở Hà Nội bị ong đốt, gây sốc phản vệ nặng, phải vào viện cấp cứu.

Ngày 7/10, BV ĐK Thạch Thất (Hà Nội) thông tin, bệnh viện mới tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp phản vệ do bị ong đốt.

Trong đó có 1 nhóm 5 người bị phản vệ do ong đốt, phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân do đốt phá tổ ong. Bệnh nhân nặng nhất có biểu hiện phản vệ độ 2 đau nhiều tại vị trí ong đốt, tức ngực, đau đầu. Các bệnh nhân đều được xử trí theo phác đồ phản vệ tuỳ theo mức độ và chuyển vào khoa hồi sức tích cực điều trị. May mắn là sau cấp cứu các bệnh nhân đã ổn định trở lại.

Trước đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam 53 tuổi được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công, có mạch trở lại, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu, BV Thạch Thất cảnh báo, nọc độc của nhiều loại ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường có độc tính cao. Khi bị ong đốt, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu như vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật hoặc một số ong chưa rõ loại (ở các vùng rừng núi) đốt.

Hoặc khi nạn nhân có các biểu hiện như: đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, khó thở... cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất vì nạn nhân ong đốt có thể bị sốc phản vệ, đây là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì rất dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.

Nọc độc của nhiều loại ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường có độc tính cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bị đốt. Ảnh minh họa

Nọc độc của nhiều loại ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường có độc tính cao, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bị đốt. Ảnh minh họa

Cách sơ cứu khi bị ong đốt

- Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra, không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn vết thương.

- Chườm đá lên vết thương để giảm sưng và đau.

- Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng.

- Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hàng ngày.

- Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi bị nhiều vết đốt hoặc có biểu hiện nặng

Cách phòng tránh bị ong đốt

- Tuyệt đối tránh tiếp xúc với ong nếu không cần thiết.

- Không dùng que, gậy chọc phá tổ ong, cần dặn trẻ em điều này.

- Thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà vì ong thường làm tổ ở nơi lộ thiên, trên những cành cây, bụi cây hoặc quanh nhà.

- Những người nuôi ong lấy mật cần mặc quần áo phòng hộ, không được để lộ da bên ngoài.

- Khi có ong xuất hiện cần đứng yên, không chạy.

- Nếu muốn phá hoặc xua đuổi đàn ong, thay vì dùng que gậy, chọc trực tiếp vào tổ ong mà dùng khói hoặc lửa.

- Tránh đi vào các khu vực nhiều cây cối vào ban đêm vì lúc này thường khó quan sát và hạn chế phát hiện các tổ ong lớn làm tổ ở vị trí thấp.

- Khi đi vào rừng, đi dã ngoại không nên mặc quần áo sặc sỡ.

- Lựa chọn các loại nước hoa, sữa dưỡng thể cần lưu ý tránh các mùi hương ngọt, vì có thể thu hút các loài ong.

- Nên đội mũ, đi găng tay, mặc quần áo dày và kín khi cần có việc ra ngoài đồng, vườn hoặc rừng để tránh côn trùng đốt, nhất là ong.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính