Tay không đi… đẻ
Đến khoa Sản bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), đoàn công tác của Bộ Y tế gồm lãnh đạo, cán bộ Vụ truyền thông và Thi đua, khen thưởng cùng các nhà báo rất ngạc nhiên khi được bác sĩ Phạm Đình Phẩm, Giám đốc BV đa khoa huyện Đồng Văn “bật mí”: Có một đặc điểm mà phụ nữ ở Đồng Văn khi đi sinh sẽ khác sản phụ ở các nơi khác.
Nếu sản phụ ở mọi nơi sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng để chào đón sự ra đời của con như tã lót, bỉm sữa, đồ dùng cần thiết cho 2 mẹ con trong những ngày đầu mới sinh, thì sản phụ Đồng Văn đi sinh bằng hai bàn tay không: không tã lót, quần áo cho bé, không bỉm sữa cho mẹ, không phích nước, không đồ dùng… mà tất cả đều “phó thác” cho bệnh viện.
Bác sĩ Hoàng Hoa Màn, Phó Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Đa số sản phụ ở Đồng Văn là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, do vậy hầu như họ không chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho mẹ và bé trước và sau khi sinh.
Với hành trang “đặc biệt” của sản phụ đi đẻ là chỉ với độc một bộ quần áo trên người và một chiếc khăn quấn trên đầu nên vì lo lắng cho sức khỏe của mẹ và bé trong những ngày đầu sinh nở, từ nhiều năm nay, bệnh viện Đồng Văn đã có sẵn chiếc tủ quần áo từ thiện để các sản phụ và em bé sử dụng.
Tủ quần áo từ thiện được các cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện ủng hộ và từ các đoàn từ thiện mang quần áo mới hoặc cũ nhưng vẫn còn sạch sẽ. Chúng tôi phân loại, gấp gọn gàng và để vào tủ. Sản phụ và người nhà được thoải mái lựa chọn những chiếc phù hợp để sử dụng cho các bé và cho chính mình” – bác sĩ Màn chia sẻ.
Tay thoăn thoắt lựa đồ cho con dâu mới sinh cháu tại bệnh viện, bà Tráng Thị Mơ (60 tuổi, xã Lũng Táo) kể: “Tôi đưa con dâu đi sinh cháu, chỉ có 500.000 đồng trong người thôi. Nhà nghèo lắm, lấy đâu tiền mua quần áo tã lót cho cháu. Có quần áo từ thiện ở bệnh viện rồi, bao giờ cháu được xuất viện về nhà thì lấy khăn, quần áo cũ của chị nó cho em bé mặc thôi”.
Bác sĩ Màn cũng cho biết, không chỉ có tủ quần áo từ thiện, bệnh viện huyện Đồng Văn còn có bếp ăn tình thương. Những gia đình là hộ nghèo không chỉ được hưởng Bảo hiểm y tế mà còn được ăn miễn phí, mỗi ngày 2 bữa cơm trưa, tối trong thời gian ở bệnh viện”.
Hủ tục sinh nở còn lạc hậu
Tuy những phụ nữ đến sinh tại bệnh viện chỉ đi tay không, phó thác tất cả cho bệnh viện nhưng theo bác sĩ Màn, cán bộ y, bác sỹ rất vui mừng khi thấy sản phụ đến đăng ký sinh tại bệnh viện.
“Bởi khi tới bệnh viện, những sản phụ và đứa trẻ sẽ được các bác sĩ chăm sóc tốt nhất. Ở Đồng Văn, có tới 17 dân tộc chung sông như dân tộc Mông, Dao, Tày Nùng… Những phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại nhiều. Đa số người dân tin vào thầy bói, thầy cúng, lấy bùa ngải để chữa bệnh chứ chưa tin hoàn toàn vào chữa bệnh, sinh nở tại bệnh viện.
Với những phụ nữ mang thai, dù được cán bộ trạm y tế các xã, các bản tới tận nhà để vận động đi khám thai định kỳ, đi tiêm chủng miễn phí tại cơ sở y tế nhưng họ vẫn không nghe mà chủ yếu tin vào bùa ngải. Đó là một trăn trở của lãnh đạo bệnh viện.
Có nhiều trường hợp phụ nữ đến ngày sinh nhưng lại theo phong tục sinh ở nhà, nghe theo thầy cúng thầy mo. Đến khi không sinh được, người nhà mới đưa tới bệnh viện thì lúc đó, tầng sinh môn bị phù nề, chảy máu khiến bệnh viện bắt buộc phải mổ lấy thai để cứu cả mẹ và bé.
Cũng có những trường hợp, do sự can thiệp ở nhà của sản phụ, không có chuyên môn kỹ thuật nên cũng có những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thế nên, ngoài phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã, thôn, bản để tuyên truyền vận động để chị em tới thăm khám, sử dụng dịch vụ của các cơ sở y tế thì bệnh viện còn tuyên truyền trực tiếp đối với từng sản phụ, từng bệnh nhân, từng người thân bệnh nhân ở tại bệnh viện.
Chúng tôi giải thích cho người dân thấy cái lợi ích khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh, sinh con và phân tích những nguy cơ tiềm ẩn nếu như chữa bệnh tại nhà, tự sinh con. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, người dân thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa tiếp thu và thay đổi quan niệm”.
Bệnh viện đa khoa Đồng Văn là bệnh viện tuyến huyện nhưng năm 2017, được UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định là bệnh viện đa khoa hạng 2, có quy mô là 120 giường bệnh. Trong đó có 20 giường bệnh tại 2 phòng khám đa khoa khu vực và 100 giường tại bệnh viện Trung tâm.
Bệnh viện có 19 khoa phòng, 4 phòng chức năng, 117 nhân viên, viên chức. Trong đó có 30 bác sĩ. Có 2 bác sĩ chuyên khoa 2, 8 bác sĩ chuyên khoa 1 và 3 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước nên khá khang trang, đầy đủ. Hiện ở bệnh viện có các trang thiết bị như: máy siêu âm 4D, nội soi tai mũi họng, X-quang tiêu hóa…
Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn được Sở Y tế tỉnh đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2018, BV đa khoa huyện Đồng Văn được Bộ Y tế lựa chọn làm thí điểm xây dựng bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Hà Giang: Chuyện ít biết về hành trang đi đẻ của phụ nữ Đồng Văn tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].