Nhận định đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Cô giáo Trịnh Thu Tuyết – Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 023, về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo năm 2022 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022.
Vẫn trong thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT Quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần Đọc hiểu (3,0 điểm), phần Làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Phần Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải.
Cụ thể, từ 4 mức độ của nhận thức (nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao), đề tham khảo mấy năm gần đây thường chỉ còn lại 3 mức độ, trong đó, mức độ nhận biết thường sẽ là 2 câu hỏi đầu, giảm áp lực tới mức tối đa cho thí sinh, nhưng cũng là giảm sự huy động năng lực tư duy, giảm hứng thú khi với câu hỏi nhận biết về nội dung, thí sinh hầu như chỉ cần xác định đúng và chép lại vài câu/đoạn phù hợp trong ngữ liệu đọc hiểu vào phần trả lời là đạt điểm tối đa.
Câu hỏi đọc hiểu trong đề thi tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 cũng không ngoại lệ khi câu 1 hỏi về một yếu tố thuộc hình thức văn bản (thể thơ), câu 2 hỏi một chi tiết nội dung: “Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ” trong đoạn thơ 5 câu.
Câu hỏi 3 mới chạm vào mức độ thông hiểu khi yêu cầu “Nêu nội dung của hai dòng thơ”, tuy nhiên, câu hỏi khá chung chung trừu tượng, có thể khiến thí sinh mong lung khi trả lời. (Hoàn toàn có thể kết hợp hai mức độ thông hiểu và vận dụng nếu yêu cầu thí sinh xác định và phân tích hiệu quả biểu đạt, biểu cảm của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ, từ đó, các em vẫn tìm ra nội dung, nhưng có vấn đề cụ thể để suy ngẫm và câu trả lời có thể đem tới sự hứng thú, chất lượng hơn là cách trả lời chung chung.)
Câu 4 là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu “Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam trong đoạn trích” – tính chất khái quát phù hợp với mức độ vận dụng cao, nhưng có thể khó tránh khả năng xuất hiện những câu trả lời “như mẫu”!
Phần Làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần Đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT. “Tinh thần vượt khó” cũng là vấn đề quen thuộc tới xưa cũ với học trò!
Câu nghị luận văn học chiếm quĩ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian… Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai ý của câu lệnh: Phân tích đoạn thơ tứ bình trong Việt Bắc và nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. Cả hai yêu cầu trong câu lệnh đều là những nội dung kiến thức cơ bản của đoạn trích Việt Bắc, câu nghị luận văn học theo hướng này sẽ không hề làm khó thí sinh.
Nhìn chung, đề tham khảo môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi mấy năm nay, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù phần đông giáo viên và học sinh vẫn mong đợi nhiều hơn những sự mới mẻ, mong đề thi chính thức một mặt vừa sức, có khả năng phân hóa, mặt khác có vấn đề để suy ngẫm, có thể dung nạp những suy ngẫm, phản biện trái chiều, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài. Bởi bản chất của ĐỀ là phải có VẤN ĐỀ.
Gợi ý đáp án môn Ngữ Văn tham khảo tốt nghiệp THPT 2023
Tổ Văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI đã gợi ý đáp án môn Ngữ văn tham khảo tốt nghiệp THPT 2023 như sau:
Phần | Câu | Nội dung |
I | ĐỌC HIỂU | |
1 | Thể thơ của đoạn trích: Thể thơ tự do | |
2 | Những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ: “túp lều lợp lá lợp tranh”, “ lưỡi liềm”, “bàn chân thô”, “bùn lấm”. | |
3 | Nội dung của hai dòng thơ: “tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn” là sự nuôi nấng, dưỡng dục của mẹ đều gắn liền với những bài học về sự biết ơn và những đạo lý truyền thống của dân tộc, gắn liền với đời sống của nhân dân lao động - những điều đã làm nên con người anh hùng của lịch sử sau này. | |
4 | Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích: Sự trưởng thành, lớn mạnh của dân tộc gắn liền với hình ảnh, vẻ đẹp của người mẹ - tảo tần, vất vả, mạnh mẽ và bền bỉ vượt qua những khó khăn. Dân tộc vừa mang những gian khó, đau thương để trưởng thành, vừa toát lên từ đó vẻ đẹp ngời sáng, vẻ đẹp của sự hóa thân của muôn vàn nhân dân để tạo nên đất nước trường tồn. | |
II | LÀM VĂN | |
1 | Viết đoạn văn về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống | |
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. | ||
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận Sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống. | ||
c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống. Có thể theo hướng: * Trong cuộc sống, con người sẽ đối diện với nhiều khó khăn và thử thách, nhưng khi vượt qua được thì chúng ta sẽ có sức mạnh thể chất và tinh thần. * Biểu hiện của vượt khó: dũng cảm đối diện, không lùi bước khi gặp thử thách, dám đối mặt và rút ra bài học từ những thất bại. * Tinh thần vượt khó giúp con người đối chọi với khó khăn, không ngại thất bại, đồng thời thêm sức mạnh để vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Thí sinh cần bổ sung thêm một vài dẫn chứng, liên hệ với bản thân để bài viết thêm thuyết phục và hấp dẫn. | ||
d. Chính tả, ngữ pháp Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. | ||
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | ||
2 | Phân tích đoạn trích trong bài Việt Bắc của Tố Hữu; từ đó nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. | |
Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: - Mở bài giới thiệu được vấn đề. - Thân bài triển khai được vấn đề. - Kết bài khái quát được vấn đề. | ||
Xác định đúng vấn đề nghị luận: Lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích. | ||
Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau: | ||
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận | ||
Nội dung phần thân bài: * Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm * Phân tích đoạn trích
+ Thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, yên bình, đầy sức sống. + Con người chăm chỉ lao động, ân tình, thủy chung.
* Nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích: Cảm xúc thương nhớ và lòng biết ơn với mảnh đất và con người Việt Bắc được thể hiện rõ ràng trong đoạn trích. Đó là lòng biết ơn đối với những người dân “ân tình thủy chung” đã bao bọc, chở che, hỗ trợ cho bộ đội từ những ngày tháng chiến đấu gian khổ cho đến khi giành được hòa bình. Lẽ sống ân nghĩa ấy thể hiện ở cả hai chiều giữa người đi và người ở, thể hiện tình cảm gắn kết thắm thiết của tình quân dân cá nước. | ||
Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. | ||
Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
V.LinhBạn đang xem bài viết Gợi ý và nhận định môn Ngữ Văn tham khảo tốt nghiệp THPT 2023 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].