Cả đêm qua, hết nhạc Trịnh hát hò tơi bời phục vụ mấy em hàng xóm, đến tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu", mưa, rượu, thuốc lá, bắt gián, thơ Inrasara thì trời cũng vừa vặn sáng. Đầu óc đau điếng như có dùi cui. Nhảy xe bus lên bờ hồ hóng gió, tìm quyển truyện hay hay rẻ rẻ, tìm cái đĩa phim rẻ rẻ hay hay… rồi mua 6 nghìn bánh khúc Cầu Gỗ cộng một chai Lavie sẽ vào thư viện làm cái công việc đêm qua định làm nhưng đã bỏ rơi nó không thương tiếc.
Xin được cái phiếu mượn sách nhàu nát từ một cô bé tốt bụng, tra quyển "Tàn đen đốm đỏ" của Phạm Ngọc Tiến đọc. Định bụng mấy hôm nữa vào VFC thực tập, làm dưới quyền ông ấy sẽ gieo vài lời ca tụng về cuốn sách. Nào ngờ giở được vài trang thì buồn ngủ ơi tao xin chào mi… mắt díp lại như bị thằng nào lấy keo dính vào.
Ừ thì, gục xuống bàn ngủ lấy một lát. Vừa tỉnh dậy thì nước dãi đã bò đầy trang sách (xin lỗi chú Phạm Ngọc Tiến). Thế là đã 2 tiếng trôi qua. Bỏ mẹ! Nhìn về phía đối diện… Lạy thánh mớ bái... "Đẹp và buồn" của tôi xuất hiện, như vừa đựơc bàn tay thượng đế đặt xuống đây.
Người đâu, ăn gì mà xinh chết người ta thế… "Đôi mắt em đẹp thế mà sao buồn tái tê" (Nguyễn Huy Thiệp). Thế thì học với hành chi nữa, chỉ còn nước nhìn nhìn cười cười sướng sướng… Không chịu được. Nhắn tin cho đứa bạn thì nó bảo: "Chính chuyên cái đê!".
Thôi thì nhìn nàng tự sướng tinh thần và ghi tạm mấy dòng này. (14 giờ 43 phút ngày 03-06-09) Bắt đầu mấy dòng không nghiêm túc để nói về cuốn tiểu thuyết "Đẹp và Buồn" của Yasunary Kawabata quả là khiếm nhã. Nhưng mình từng có một seri "Đẹp về Buồn" về những em gái tình cờ gặp.
Và nếu chưa từng đọc "Đẹp và Buồn" của Kawabata mình cũng không có cách nhìn về con gái đẹp như thế. Sự hấp dẫn của cái đẹp là ở nỗi buồn. Buồn man mác, buồn đau buồn đớn, buồn bỏ mẹ, buồn thế này thì chết mất.
Y.Kawabata vốn là nhà văn rất mực yêu thích của mình. Trong sinh nhật lần thứ 20 buồn như chó sủa trăng, mình lập danh sách 20 người ảnh hưởng đến mình. Kawabata xếp thứ 8. Sau 7 người ruột thịt của mình. Thực ra mình biết đến ông qua G.Márquez. Tất nhiên không phải vì mình đi du thuyền với Márquez nên ổng giới thiệu cho biết Kawabata mà nhờ đọc "Hồi ức về những cô điếm buồn".
Lời giới thiệu cuốn này có nhắc đến "Người đẹp say ngủ" của một người tên là Kawabata vì sự đồng điệu, những ý tưởng thiên tài gặp nhau.
Kawabata cái tên nghe quen quen, mình hỏi chị. Chị bảo, đó là nhà văn chị thích nhất. Rồi lôi ra mấy cuốn tiểu thuyết của ông. "Xứ tuyết", "Ngàn cánh hạc", "Người đẹp say ngủ", "Tiếng rền của núi".
Mình đọc như bị bỏ bùa mê. Sao lại có thứ văn chương tế vi đến thế. Có những lúc thấy ngèn nghẹn, ngây ngất, không dám đọc vội vàng. Tự hỏi: nước Nhật đã có Akutagawa rồi còn có thêm Kawabata thì thật là chật chội, thật là ganh tị.
Bài tập đầu tiên viết tiểu phẩm hình ảnh, mình viết về một cậu bé thủ dâm trên xe bus và lấy tên là Nụ cười Kawabata. Mình hí hửng vì câu chuyện khá bất ngờ, nhiều "tầng ý nghĩa". Vậy mà Thầy giáo buồn nôn khi chấm bài. Từ đó không dám nhắc đến Kawabata nữa.
Dù cái mạch văn tinh tế, day dứt, hoài cổ của ông vẫn âm ỉ nuôi dưỡng sự "nhạy cảm thiên bẩm" của mình. Hôm rồi đi mua cuốn Thần thoại Hy Lạp (để viết một vở kịch ngắn tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm vì mình nhớ trong đó có truyện Phaêtông con trai thần mặt trời lái cỗ xe của cha bị "tai nạn giao thông" rất hay ho.
Nhân nói đến vụ này, cũng nên ca thán "cái bọn" phường mình keo kiệt, đổ mồ hôi sôi nước mắt mà bồi dưỡng cho tác giả kịch bản có một trăm ngàn. Ái chà là… bèo.)
Thấy một cuốn sách nhỏ nhỏ đẹp đẹp, 4 phần 5 bìa in hình Kawabata khuôn mặt sương sa, mái tóc bạc vuốt ngược, miệng ngậm điếu thuốc… phía trên đề "Yasunary Kawabata - Đẹp & Buồn". Cảm ơn Đông Tây tái bản cuốn này. Tự nhiên thấy xúc động lạ.
Mình đã từng đọc truyện này, không thích bằng "Ngàn cánh hạc" hay "Xứ tuyết" nhưng vẫn là một "áng văn" đẹp và day dứt. Mua hai cuốn vì sẽ cho Gaxtbi một cuốn.
Chộn rộn nhắn tin bảo nó sang. Để cho và bốc phét. Vậy mà biệt tăm tích. Từ háo hức sang bực tức. Một tuần trôi qua. Không liên lạc với nó chi hết. Chạm mặt mấy lần cũng tỉnh bơ. Từ yêu mến chuyển sang căm thù.
Không hiểu sao, sáng nay mình có ý nghĩ giết người. E hèm. Bao nhiêu bực tức, mình kiếm cái thùng giấy lọc tất cả những cuốn, những CD, DVD nó cho mình mượn tống hết vào đó, ôm lên trường nhờ Chie trả hộ.
24 tuổi mình hành động như một đứa trẻ. Xin lỗi Kawabata đáng nhẽ cháu nên nói về cuốn "Đẹp và Buồn" của ông nhưng cháu viết cái quái gì thế này.
"Đẹp và Buồn" kể về một nhà văn, hai nữ hoạ sĩ. Thêm một bà mẹ, một người vợ, một cậu con trai. Một mối tình giữa gã đàn ông có vợ và cô gái mười sáu tuổi cuồng nhiệt mà nhiều đau đớn đã để lại kết quả là một thai nhi không được làm người, một cô gái không bao giờ tìm lại được trong trắng, sự yên ổn, tình yêu trong suốt phần còn lại cuộc đời.
Một mối tình đồng giới của cô học trò đẹp đến lạ lùng với cô giáo - người ôm nặng tình xưa. Cô gái trẻ nổi loạn vì tình đó là đẹp và buồn, ngọt ngào và đau đớn.
Câu chuyện xảy ra giữa Tokyo và Kyoto. Cái đẹp và buồn của con người như hoà quyện cùng trầm tích cố đô. Dòng tường thuật luôn bị hồi tưởng bất ngờ xâm chiếm khiến mạch chuyện như một cuộc khai quật mà di chỉ để lại vẫn còn nguyên vẹn chất diêm sinh dễ gây ảo giác.
Vì sao người này yêu người kia đến thế, vì yêu thôi. Vì sao nỗi đau khó quên đi đến thế, vì đau thôi. Chừng nào người ta còn đau vì ai đó tức là còn yêu người ấy nhiều lắm.
Đọc truyện Kawabata có một cái sướng là được đồng hành chiêm ngưỡng sự tinh tế, sừng sững của văn hoá Nhật. Ta như được dắt đền một quán trọ ven sông, quỳ gối trên tấm thảm tatami, uống một chén trà có màu hổ phách chứa trong một cái chén sứ tráng men ngà.
Tiếng đàn ssamisen lẩy như làm thao thức cả chén trà khiến mặt nước rung rinh tạo thành những vòng tròn đồng tâm. Ta cũng chẳng nỡ uống. Hay như trong một bài haiku của tác giả Shiki: "Ôi, thật tuyệt vời biết bao/ Khi đang thưởng thức một quả hồng/ Và nghe tiếng chuông chùa Horyu ngân vang".
Vũ Ánh DươngBạn đang xem bài viết [Góc vườn] - Đẹp và Buồn - Y. Kawabata tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].