Tôi bắt đầu dịch văn học khá sớm, cuốn nghiêm chỉnh đầu tiên là "Chuyện kể hằng đêm" (Nhà xuất bản Phụ nữ), có may mắn được đến với bạn đọc cách đây 12 năm.
Từ những ngày đầu tiên ấy, đối với tôi luôn là một cảm giác quen thuộc, mắt đọc tiếng Anh và cảm thấy từ ngữ tiếng Việt kéo nhau hiện lên trong đầu với đủ mọi cung bậc, khi thì thầm thủ thỉ, lúc bối rối chộn rộn, khi lại tươi tắn reo vui; khiến tôi lập tức muốn nhốt những từ ngữ ấy lại thành từng con chữ hữu hình, trên màn hình máy tính hoặc trên trang giấy.
Thời gian như sợi dây chun, vừa dài vừa ngắn, vừa thăm thẳm vừa vô thường. Hôm nay nghĩ lại về những trang sách đã dịch, tôi thấy mình như đã sống qua nhiều số phận con người, và cả con vật; đã phiêu bạt đến những miền đất xa xôi; đã lặng ngắm những chân trời, ước vọng và ảo tưởng tưởng chừng hão huyền, nhưng kỳ thực ai cũng có; đã khóc đã cười, đã tức giận và hy vọng cùng những nhân vật giữa từng trang sách ấy.
Những trang sách thoạt nhìn im lìm, những con chữ ngằm ngoan ngay ngắn, nhưng vô số cảm xúc đã tràn qua người đọc, để rồi những rung động vẫn còn loang mãi, thực giống như tiếng đàn của nàng Kiều, "Trong như tiếng hạc bay qua, đục như tiếng suối mới sa nửa vời, tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa..."
Mười hai năm qua không thể nói là tôi dịch được nhiều, có cuốn rất vất vả, có cuốn dịch xong rồi lại không in nữa... Và có rất nhiều công việc khác chen vào, học hành, kiếm sống, gia đình,...
Và, nói ra điều này thật không dễ chịu chút nào, có những lúc tôi cảm thấy từ ngữ của mình vô cùng xơ cứng, ram ráp xô vào nhau trên trang giấy, ráo hoảnh và tỉnh queo chạy qua trước mắt tôi.
Đối với tôi đó là những lúc rất đáng sợ, giống như người đầu bếp không phân biệt được đắng cay mặn ngọt vậy.
Nhưng luôn luôn, mỗi bản dịch được hoàn thành là một niềm vui khe khẽ trong tôi, như con tằm rút ruột nhả tơ, tôi mong ngày nhìn thấy đôi cánh bướm bay lên, mong câu chuyện từ một nhà văn không quen biết, vốn viết bằng một ngôn ngữ xa lạ, sẽ đến với bạn một cách gần gụi và thuần phác nhất, bằng thứ tiếng mẹ đã cùng bạn lớn lên. Bạn tin không, niềm vui ấy khẽ thôi nhưng êm ái vô cùng...
Mười hai năm sau "Chuyện kể hằng đêm", tôi có may mắn được cầm trên tay thêm bốn cuốn mình đã dịch nữa, là "Gió đùa trong liễu", "Rạp xiếc đêm", "Những thành phố giấy", và "Bánh mì cô đơn"
Đó thực sự là công sức lao động nghiêm túc và đầy nhiệt huyết của những người làm sách yêu sách, luôn mong mang được sách hay đến với độc giả, và tôi có may mắn được đóng góp một phần nhỏ trong đó.
Trong những ngày chờ đợi sách đến với bạn đọc; càng đến gần lúc đó, tôi càng không nén nổi chút phấn khích trẻ con, và xen một chút lo lắng, không biết bạn đọc sẽ đón nhận ra sao, dù tôi biết chắc chắn đó là những cuốn rất đáng đọc.
Vậy bạn sẽ ủng hộ tôi chứ? Hãy đọc sách nhé, không chỉ những cuốn sách tôi đã dịch đâu, mà thật nhiều thật nhiều những cuốn sách trên thế gian này. Tôi tin rằng bạn cũng sẽ thấy thêm nhiều những chân trời mới mẻ, sẽ cùng cười cùng khóc cùng mơ mộng và cùng hy vọng với những con chữ đang khe khẽ kể vô vàn câu chuyện thú vị qua từng trang sách.
Cẩm LinhBạn đang xem bài viết [Góc vườn] - 'Trong như tiếng hạc bay qua' hay câu chuyện về những cuốn sách tôi đã dịch tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].