Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo: Cha mẹ bắt cô giáo quỳ xin lỗi sẽ trở thành tấm gương xấu cho trẻ

Trẻ nhỏ nếu thấy cha mẹ làm cái hành động như vậy trẻ sẽ học theo, vì cha mẹ như là một tấm gương của các con.

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người Lao Động.

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người Lao Động.

Mới đây, tại Long An đã xảy ra sự việc cô giáo bắt các em học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học khiến nhiều em sợ không dám đến lớp và sau đó, phụ huynh đến trường bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi.

Cụ thể, sự việc xảy ra trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An).

Cô giáo tên Nhung, đã áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối nên có một số em sợ không đi học. Phụ huynh bức xúc, đã đến trường tạo áp lực dẫn đến “chuyện không đáng có”.

Sau khi phản ánh với nhà trường, một số phụ huynh tiếp tục tạo sức ép bắt cô Nhung phải quỳ trước mặt 4 phụ huynh, có sự chứng kiến của một số giáo viên của trường.

Sự việc này đã khiến không ít người “giật mình” bởi cách hành xử không khác “chợ búa” là mấy xuất hiện trong môi trường giáo dục.

Để có góc nhìn toàn diện hơn về sự việc này,  PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Việc giáo dục học sinh không thể dùng những cách bạo lực như vậy, nên việc mọi người phản đối hành động đó của cô giáo là rất đúng. Thế nhưng việc phụ huynh tạo sức ép bắt cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh như thế thì hành động này cũng là sai.

Khi học sinh phạm lỗi, thì mình phải bằng hình thức giáo dục nào đấy để giải thích cho các em em nhận ra lỗi sai của mình, cái đó mới gọi là giáo dục. Chứ việc cô giáo bắt học sinh quỳ là hành động bạo lực học đường đáng bị cả xã hội lên án.

Tuy nhiên, cô giáo đó làm sai thì phụ huynh học sinh cũng phải giáo dục cô bằng cách mời lên Ban giám hiệu nhà trường, đề nghị cô viết bản kiểm điểm… làm sao đấy để cô nhận thức ra được hành động sai trái của mình.

Chứ không phải cách phản ứng như của phụ huynh là cũng bắt cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh như thế cũng chính là hành động bạo lực.

Lỗi trong câu chuyện này hoàn toàn xuất phát từ cả 2 phía và hành động này tôi nghĩ xã hội cần phải lên án vì nó không đúng với tính chất giáo dục con người.

Không ai có thể bắt cô giáo quỳ trước mặt học sinh, nếu cô sai ta sẽ vạch ra những lỗi sai của cô để cô giáo nhận ra lỗi sai của mình”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam.

Câu chuyện này không chỉ khiến nhiều người lo lắng về cách hành xử của người lớn với người lớn mà còn lo lắng về cách hành xử sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của những em học sinh sau này.

“Trẻ nhỏ nếu thấy cha mẹ làm cái hành động như vậy trẻ sẽ học theo, vì cha mẹ như là một tấm gương của các con. Mà nếu hành động của cha mẹ làm như vậy khiến trẻ nghĩ như thế là đúng thì sau này chính các em cũng sẽ làm như vậy.

Đây là những hành động không tốt đối với cả cô giáo, xã hội và cả các em học sinh.

Để hạn chế tình trạng này thì chúng ta có thể sử dụng chính những sự việc này để lên án, để tạo bài học cho cả cô giáo, phụ huynh, nhà trường, học sinh và cả xã hội.

Và phải có kỷ luật đối với những giáo viên có hành động như vậy, mặt khác đối với các em học sinh cũng nên sử dụng những phương pháp giáo dục, giải thích cho trẻ để trẻ hiểu được chứ không nên dùng những hành động bạo lực như vậy”, TS Nhĩ nhấn mạnh.

Ngọc Nga

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính