Phương pháp ghép tế bào gốc chữa tự kỷ được thực hiện thế nào?
Hiện nay điều trị tự kỷ bằng ghép tế bào gốc đang được áp dụng và có một số thành công bước đầu.
Tại Việt Nam, nghiên cứu khoa học về Liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh tự kỷ được thực hiện bởi GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec.
Với mục đích là đánh giá sự an toàn và hiệu quả của ghép tế bào đơn nhân tủy xương tự thân kết hợp với can thiệp giáo dục cho trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Được biết, thử nghiệm lâm sàng nhãn mở được thực hiện từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 8 năm 2019 tại BV Đa khoa Quốc tế Vinmec, Hà Nội.
Theo đó, 30 trẻ tự kỷ được lựa chọn để ghép tuỷ 2 lần. Sau ghép tế bào, khả năng thích ứng của trẻ tăng lên. Giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và kỹ năng hàng ngày được cải thiện rõ rệt 18 tháng sau khi ghép. Ngược lại, các hành vi lặp đi lặp lại và biểu hiện tăng động giảm đáng kể.
Ghép tế bào đơn nhân nguồn gốc tủy xương tự thân kết hợp với can thiệp giáo dục đã được dung nạp một cách an toàn và cải thiện các biểu hiện lâm sàng của trẻ mắc tự kỷ.
Bệnh tự kỷ có chữa khỏi hẳn được không?
Cho đến nay, chưa có một phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh tự kỷ. Tất cả phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm đến mục đích giúp cho trẻ tự kỷ có được kỹ năng sống cần thiết nhất để có khả năng sống độc lập.
Để đạt được hiệu quả tốt trong quá trình điều trị, việc can thiệp cho trẻ tự kỷ cần thực hiện đồng bộ.
Trẻ cần được can thiệp sớm từ bé bằng giáo dục can thiệp đúng cách, kết hợp can thiệp cải thiện hành vi, cải thiện nhận thức, trị liệu, ngôn ngữ, phục hồi chức năng… và có thể phối hợp ghép tế bào gốc. Các giải pháp này thực hiện đồng bộ, thực hiện sớm sẽ mang lại hi vọng cho trẻ tự kỷ.
Với trẻ tự kỷ, việc điều trị cơ bản nhất vẫn là giáo dục tâm lý, thay đổi hành vi thay đổi nhận thức, đó là quá trình được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với lộ trình rất dài. Đồng thời, phải có sự kết hợp chặt chẽ với gia đình mới mong cung cấp cho trẻ tự kỷ kỹ năng sống cần thiết nhất.
Kết quả điều trị tự kỷ bằng tế bào gốc kết hợp trị liệu cho thấy trên các phương diện tương tác giao tiếp, ngôn ngữ, giảm tăng động, kỹ năng sống… bệnh nhân sau ghép đã có những tiến bộ khả quan. Khi kết hợp ghép tế bào gốc đồng đồng thời với can thiệp tâm lý trị liệu có thể tăng hiệu quả điều trị tự kỷ.
Vì vậy, nếu phát hiện con có dấu hiệu của bệnh tự kỉ, cha mẹ nên đưa đến sớm nhất các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và được can thiệp sớm nhất.
An AnBạn đang xem bài viết Ghép tế bào gốc có chữa được tự kỷ không? Ở đâu thực hiện ghép tế bào gốc chữa tự kỷ? tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].