Đó là trường hợp của nam bệnh nhân N.V.C. (67 tuổi), vào BV ĐK Nông Nghiệp thăm khám với lý do đau chói cột sống thắt lưng sau ngã ngồi.
Các bác sĩ khoa Ngoại chấn thương của bệnh viện đã tiến hành thăm khám, ấn dọc cột sống thì thấy bệnh nhân đau chói cột sống thắt lưng ngang đốt sống L2. Kế quả chụp MRI, CTscanner, XQuang cột sống thắt lưng, bệnh nhân được chẩn đoán gãy lún đốt sống L2 do tai nạn sinh hoạt.
Sau khi tiến hành hội chẩn và tư vấn người bệnh, người nhà người bệnh, BSCKII. Lê Việt, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, BS.CKI. Bùi Việt Phương, cùng nhóm phẫu thuật khoa thực hiện can thiệp bơm xi măng tạo hình thân đốt sống L2 bằng hệ thống bơm bóng Ball Kyphoplasty (BKP) dưới hướng dẫn của hệ thống máy DSA.
Mục đích của tạo hình đốt sống có bóng cho bệnh nhân là giúp giảm đau do gãy xương, làm vững đốt sống và khôi phục chiều cao của đốt sống bị xẹp.
Sau khi được can thiệp bơm xi măng tạo hình thân đốt sống, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, giảm triệu chứng đau nhức và có thể ngồi dậy đi lại được.
Được biết, Khoa Ngoại chấn thương, BV ĐK Nông Nghiệp tiến hành thực hiện kỹ thuật bơm xi măng tạo hình thân đốt sống từ tháng 4 năm 2020, đã thực hiện thành công hơn 20 ca, tất cả các bệnh nhân sau can thiệp đều hết đau, ngồi dậy đi được sau 1 ngày.
Tại BV ĐK Nông nghiệp hiện có nhiều phương pháp, kỹ thuật điều trị gãy lún đốt sống. Trong đó, tạo hình thân đốt sống có bóng (Kyphoplasty) là một can thiệp ít xâm xấm, có tỷ lệ biến chứng rất thấp.
Đây là kỹ thuật hiện đại nhất đang được áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới. Bệnh nhân sau khi gây tê tại chỗ, phẫu thuật viên sẽ dùng một kim chuyên dụng có bóng ở đầu chọc vào thân đốt sống dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng.
Sau đó, quả bóng sẽ được bơm căng lên để làm nở đốt sống, trả lại hình dáng ban đầu. Sau khi rút bóng ra, xi măng sẽ được bơm vào khoảng trống vừa tạo trong đốt sống, mà không chịu áp lực. Do đó xi măng ít có khả năng tràn ra ngoài.
Đốt sống sau khi trở lại hình dáng ban đầu sẽ tránh nguy cơ gù, trượt cột sống cho bệnh nhân về sau.
Và một điều quan trọng nữa là, bảo hiểm y tế thanh toán cho kỹ thuật này, vậy nên chi phí người bệnh phải trả là rất thấp.
Các bác sĩ cũng cho biết thêm, những đối tượng dễ bị lún đốt sống là những người bị loãng xương, người lớn tuổi, sau ngã ngồi đập mông xuống nền cứng…
Để phòng ngừa cũng như phát hiện kịp thời tình trạng lún/xẹp đốt sống, người dân cần lưu ý những đặc điểm sau:
Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có chế độ sinh hoạt điều độ về dinh dưỡng và tập luyện. Nên bổ sung các khoáng chất và vitamin cùng với ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Hạn chế sai tư thế khi thực hiện các động tác, tránh những tư thế xấu.
Tránh hoạt động quá mạnh.
Tham gia các bài tập giúp cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
Nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện lún/xẹp đốt sống kịp thời.
An AnBạn đang xem bài viết Gãy xương cột sống sau một cú ngã ngồi tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].