Báo Điện tử Gia đình Mới

Gần 100% phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ

Ở Việt Nam, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ từ công an.

Việt Nam đang đạt được những kết quả nhanh và ấn tượng về bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra để có thể đạt được bình đẳng giới bền vững, thực chất cho cả nam giới và nữ giới. 

Thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực không chỉ về chỉ tiêu số lượng mà cả về chất lượng, vị thế.

phu nu bi bao luc

Ngày nay, mặc dù vai trò chăm sóc và nuôi dưỡng con cái của người cha trong gia đình đang thay đổi do sự tham gia của phụ nữ ngày càng tăng vào lực lượng lao động xã hội, nhưng ở Việt Nam vẫn tồn tại quan điểm coi việc nhà và chăm sóc con cái là trách nhiệm chính của phụ nữ.

Trong giáo dục đạo đức và lối sống cho con, người mẹ cũng tham gia nhiều hơn người cha. Điều này gây khó khăn cho phụ nữ để cân bằng trong phát triển nghề nghiệp mà vẫn đảm bảo trách nhiệm gia đình và chất lượng cuộc sống.

Hầu hết phụ nữ bị chồng bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ 

Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2019 trên 5,976 phụ nữ Việt Nam 15-64 tuổi cho thấy, cứ ba phụ nữ thì gần hai phụ nữ từng có chồng/bạn tình bị bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý và/hoặc bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra ở trong đời.

Người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản năm 2022 đã đạt so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.

Trong năm 2022, tổng số người gây bạo lực gia đình là 3.975 người, trong đó nam giới là 3.574, nữ giới là 401 người.

Như vậy, người bị bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ; người gây bạo lực gia đình chủ yếu là nam giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ từ công an.

Văn hóa im lặng vẫn tiếp tục là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Khi người bị bạo lực gia đình, hay bạo lực trên cơ sở giới không nói ra, những mâu thuẫn, xung đột âm ỉ tàn phá gia đình, sức khỏe cá nhân không được hỗ trợ giải quyết kịp thời.

Điều này gây ra những hệ quả cho cả thế hệ đang kết hôn hiện nay như thách thức trong xây dựng văn hóa và ứng xử gia đình, cho thế hệ tiếp theo như e ngại kết hôn, và các vấn đề xã hội như niềm tin vào hiệu quả của các chính sách và dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình.

Phụ nữ làm công việc không công nhiều hơn nam giới gần 3 giờ mỗi ngày

Theo kết quả Điều tra Quốc gia về sử dụng thời gian năm 2022 của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện trên tổng số 6001 người cho thấy, nam giới làm công việc được trả lương nhiều hơn khoảng 1 giờ mỗi ngày so với phụ nữ;

Mặt khác, phụ nữ làm công việc không công nhiều hơn nam giới gần 3 giờ mỗi ngày, vì vậy tổng khối lượng công việc hàng ngày của phụ nữ nhiều hơn nam giới gần 2 giờ.

Theo diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2023, dù tỷ lệ tham gia thị trường lao động cao, phụ nữ vẫn đang chịu những định kiến giới về vai trò kinh tế cũng như gánh nặng kép về cân bằng việc nội trợ, chăm sóc với tham gia kinh tế.

(Theo Trần Huyền/ Báo Dân Trí)

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO