Gần 60 tuổi, cô giáo dạy Văn vẫn tạo sức hút hút học trò qua dạy trực tuyến

Chọn mạng xã hội và dạy trực tuyến để mang văn chương đến với học trò, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (trường THPT Chu Văn An) nhận được rất nhiều tình cảm của học trò khắp mọi miền đất nước.

Thâm nhập thế giới “ảo” để hiểu học sinh hơn

Nghỉ hưu đã 4 năm, ở độ tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi và vui vẻ bên gia đình nhưng cô Tuyết chưa cho phép bản thân ngừng làm việc. Ngày ngày, cô vẫn miệt mài trao đi kiến thức cho học trò khắp mọi miền Tổ quốc bằng cách này hay cách khác.

Dạy trực tiếp, trực tuyến hay tương tác qua facebook đã trở thành lịch trình không thể thiếu trong mỗi ngày làm việc của cô.

Với nhiều người thế hệ 5X, 6X, việc sử dụng điện thoại thông minh là điều không tưởng và mạng xã hội lại càng là một thế giới xa lạ. Tuy nhiên, mong muốn bắt kịp xu hướng xã hội, đến gần với học trò hơn, cô Tuyết nhanh chóng tiếp cận và sử dụng triệt để mạng xã hội trong việc chuyển tải kiến thức.

  Cô Trịnh Thu Tuyết tư vấn học tập cho học sinh THPT tại một sự kiện.

Cô Trịnh Thu Tuyết tư vấn học tập cho học sinh THPT tại một sự kiện.

Cô Tuyết chia sẻ, thế giới của học trò bây giờ rất trẻ trung, năng nổ và nhiều màu sắc. Muốn hiểu được thế giới ấy không có cách nào khác ngoài việc “thâm nhập” và rút ngắn khoảng cách. Cô chọn mạng xã hội facebook để bước vào thế giới của học trò.

Cô bảo, thông qua đó, cô mong muốn học trò sẽ tiếp cận những vấn đề cuộc sống, những vấn đề trong môn Văn theo kênh đọc, xem và tương tác trực tiếp thay vì thông qua sách vở đơn thuần. Cũng nhờ facebook, khoảng cách giữa cô - trò được xóa tan và xích lại gần hơn.

“Với cương vị là một người đọc, học trò sẽ đến với mỗi tác phẩm văn chương không phải trong tâm thế một học sinh luyện thi mà tâm thế của người đi tìm cái đẹp. Hơn nữa, sẽ là tìm sự tri kỷ, tri âm trong tác phẩm của nhà văn và trong bài giảng của giáo viên, những người đưa đường cho các em tới với cái đẹp. Trong tâm thế ấy, các em sẽ học cách làm người tử tế và hữu ích trong cuộc đời!”, cô Tuyết lý giải.

Tâm huyết với hành trình truyền tình yêu văn chương theo cách hiện đại nhưng không kém phần hiệu quả, hình thức dạy Văn trực tuyến được cô Tuyết sử dụng triệt để thông qua các khóa học của Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Với đặc thù riêng, môn Văn sẽ đạt hiệu quả truyền cảm hứng cao hơn khi giáo viên và học sinh trực tiếp tương tác với nhau nhưng theo cô Tuyết, nếu biết cách thiết kế bài giảng, giáo viên vẫn có thể tạo những hiệu ứng tích cực trong các giờ học trực tuyến.

  Cô Tuyết trong bài giảng trực tuyến môn Ngữ Văn.

Cô Tuyết trong bài giảng trực tuyến môn Ngữ Văn.

Hiệu ứng tích cực ấy sẽ đến từ bản thân nội dung bài giảng và phương pháp truyền thụ; sự mạch lạc logic của hệ thống ý, sự sâu sắc của cách phân tích, cảm nhận mỗi đơn vị ngôn từ. Thêm đó, dạy học trực tuyến chỉ là sự tiếp xúc qua màn hình nên ánh mắt, nụ cười, giọng nói của giáo viên trong khi giảng cực kỳ quan trọng. Và cuối cùng, vẫn là cái thật trong xúc cảm của giáo viên ở mỗi bài giảng. Cái thật ấy sẽ xóa tan đi khoảng cách”, cô Tuyết nói.

Luôn đề cao tính chân thật trong cảm xúc của thầy cô khi giảng bài, đặc biệt là giảng dạy trực tuyến, cô Tuyết nhấn mạnh: “Muốn “lôi kéo” học trò thích học Văn, điều cốt tử chính là sự trung thực của chính người thầy trong từng xúc cảm. Thầy cô hãy tôn trọng học trò bằng sự trung thực ấy khi chia sẻ những xúc cảm, suy ngẫm hay thông điệp văn chương. Học trò rất tinh tế để nhận ra điều đó”.

Gần 60 tuổi vẫn lọ mọ học livestream

Không chỉ là đăng những nội dung (post), ảnh thông thường về các nội dung đời thường lồng ghép với những câu trích ngữ Văn hợp hoàn cảnh, cô Tuyết còn áp dụng hình thức livestream một cách nhuần nhuyễn.

Cô Tuyết chia sẻ, đăng nội dung, tương tác với học sinh thôi chưa đủ, livestream giúp học trò nhìn thấy cô, đặt câu hỏi ngay lập tức đồng thời cô có thể nói nhiều hơn, thể hiện được nhiều cảm xúc hơn. Lúc mới bắt đầu livestream bản thân cô chưa quen và ngại, bên cạnh đó là áp lực vì thông tin diễn ra trực tiếp thì không thể sửa lại được. Nhưng cô tự trấn an bản thân, coi như đang dạy trực tuyến và khi bước vào bài giảng, mọi nỗi sợ hay ngại ngùng tan biến hết.

  Cô Tuyết cùng các học trò của mình.

Cô Tuyết cùng các học trò của mình.

Ban đầu, cô được một số bạn hỗ trợ tại nơi ghi bài giảng, các bạn dùng máy quay để thực hiện. Nhưng sau đấy, tần suất livestream của cô nhiều hơn, nhất là trước những kỳ thi quan trọng, các em học sinh đặt câu hỏi nhiều khiến cô bắt buộc phải tự học livestream bằng chính điện thoại của mình. Những lóng ngóng, những lần hỏng không tránh được, bây giờ thì cô tự tin rồi,” cô Tuyết cười.

Với thầy cô trẻ, công nghệ không phải là một trở ngại nhưng ở độ tuổi gần 60, thách thức này lại không nhỏ. Tuy nhiên, cô Tuyết vẫn “lọ mọ” học tất cả, từ dạy trực tuyến, sử dụng mạng xã hội facebook cho tới livestream. Mục đích duy nhất cho việc vượt qua thách thức, khó khăn ấy là mong muốn gần gũi và dễ dàng chuyển tải môn học tới học trò khắp nơi.

Nội dung livestream thường xoay quanh các đề thi học kỳ, đề thi Văn THPT Quốc gia, khi là một bài giảng cụ thể, khi thì là những giới thiệu và cảm xúc về một cuốn sách thú vị, lúc lại là những dòng tản mạn đầy cảm xúc về một câu thơ, đoạn văn, tác giả văn học hay nhân vật nào đó trong các tác phẩm... Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, cô đưa văn chương đến với học trò theo cách gần gũi và tự nhiên nhất.

Gần 60 tuổi, cô giáo dạy Văn vẫn tạo sức hút hút học trò qua dạy trực tuyến 3

Livestream liên quan đến môn Văn của cô lúc nào cũng “đông vui” nhờ số lượt thích, lượt chia sẻ và lượt xem “khủng”. Đỉnh điểm có nhiều livestream của cô lên tới gần 2.000 lượt chia sẻ, gần 100.000 lượt xem, 2.500 lượt chia sẻ từ đông đảo học sinh.

Chia sẻ về những kỷ niệm với học trò trực tuyến, cô Tuyết kể, cũng như dạy trên lớp, kỉ niệm với học trò trực tuyến cũng dày thêm qua năm tháng. Lần ấy, cô tham gia giao lưu với học trò trực tuyến khu vực phía Nam do Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2017. Giữa vòng vây ấm áp của học trò, cô nhận thấy một cô bé học trò đứng từ xa, không rời mắt khỏi cô nhưng ngập ngừng không dám tới.

Lát sau, khi cô đến gần hỏi chuyện, cô bé ấy rất xúc động nói, cô bé đã học tất cả các khóa học trực tuyến của cô, học tới thuộc từng câu, nhớ từng cử chỉ, ánh mắt của cô khi hình dung mỗi câu thơ hay chi tiết truyện. Nghe tin cô vào giao lưu, cô bé đã xin tiền ba má, đi xe đò lên Sài Gòn từ 3 giờ sáng chỉ để được ôm cô một lần.

Gần 60 tuổi, cô giáo dạy Văn vẫn tạo sức hút hút học trò qua dạy trực tuyến 4

Mỗi ngày, bất chấp tuổi tác, hành trình đưa văn chương đến với học trò của cô giáo 5X vẫn tiếp tục. Những tình cảm của học trò khắp nơi gửi về, những tin nhắn “báo công” từ mọi miền đất nước sau mỗi kỳ thi là một phần thành quả giảng dạy trực tuyến. Cô bảo, với cô, lớn hơn cả những thành tích học tập là tình yêu của học trò.

Dù chưa từng gặp mặt nhưng được các em tin như người bạn, có thể chia sẻ những băn khoăn, trăn trở riêng tư; đồng thời, được chứng kiến sự trưởng thành của các em. Đó là niềm hạnh phúc và là động lực để cô tiếp tục hành trình mang văn chương đến gần với học trò.

Nguyễn Hương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính