Gần 100.000 thí sinh đỗ đại học nhưng không nhập học trong năm 2022

Thông tin về tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu. Cả nước có gần 100.000 thí sinh đỗ nhưng không nhập học.

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm.

Thông tin về công tác tuyển sinh đại học năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết kết thúc tuyển sinh đợt 1, số liệu thí sinh trúng tuyển và nhập học đã thể hiện kết quả rất khả quan.

Trong đó, khối đại học có 564.735 thí sinh trúng tuyển đã có 463.123 nhập học, bằng 90% số nhập học của cả năm 2021 và vượt số lượng của cả năm 2020.

Tổng số thí sinh nhập học toàn quốc đã đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Tuyển sinh đại học 2022

Tuyển sinh đại học 2022

Tuy nhiên theo bà Thủy, thực tế trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn có một số tồn tại, hạn chế, thí sinh gặp một số rắc rối trong quá trình thực hiện thao tác trên hệ thống. Trong đó, thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển là nhiều nhất. Việc này do một số trường đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển.

Bên cạnh đó, các em còn gặp khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến.

"Đặc biệt, có gần 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Đây là con số chúng ta cần phải nghiên cứu. Một số trường đại học xét tuyển sớm chưa hiệu quả. Thí sinh phải đăng ký xét tuyển nhập học trên cả hệ thống chung và tại trường. Trong khi việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội", bà Thủy nhận định.

Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, ông Trần Vũ - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhìn nhận do một số thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình không mong muốn nên không nhập học.

"Thực tế vẫn có nhiều thí sinh khá chủ quan trong việc đăng ký nguyện vọng, nhiều trường hợp dù trúng tuyển nguyện vọng đặt ưu tiên hơn nhưng đó cũng không phải thực sự là nơi em muốn học và chờ xét tuyển đợt 2. Khi các em không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì tâm lý sẽ chọn nơi khác học. Ngoài chờ xét tuyển đợt 2 thì các em đã chọn bậc cao đẳng để học khi xác định mình rớt. Bên cạnh đó, còn có thí sinh trúng tuyển không biết phải xác nhận nhập học trên hệ thống".

V.Linh

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính