Ép người lao động đi làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), ngày Chiến thắng (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (1/5), người lao động được nghỉ làm có hưởng lương. Trường hợp đơn vị, doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ tất cả 11 ngày nghỉ lễ chính thức hưởng nguyên lương trong năm 2024. Đó là Tết dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Ngày Thống nhất đất nước 30/4 (1 ngày), Ngày Quốc tế lao động 1/5 (1 ngày), Quốc khánh 2/9 (2 ngày) và Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch (1 ngày).

Do đó, trong những ngày lễ sắp tới (Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5), theo quy định của pháp luật, người lao động sẽ được nghỉ làm và được hưởng nguyên lương. 

Trường hợp nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của người lao động và phải trả thêm cho người lao động ít nhất 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Nghỉ lễ là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Do đó, trường hợp đơn vị, doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

nguoi lao dong 2

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật;

b) Không thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức làm thêm giờ và nơi đặt trụ sở chính về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động.

4. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: không đảm bảo cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc hoặc nghỉ chuyển ca theo quy định của pháp luật; huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Hoàng Nguyên (t/h)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính