Biến cố gia đình hun đúc tình yêu thương
Sinh ra trong một gia đình khá giả, Huế Lyly trải qua tuổi thơ có phần đủ đầy hơn chúng bạn. Tuy nhiên, khi biến cố gia đình ập tới, phải bán tất cả gia sản rồi chuyển đến một căn nhà dột, tuổi thơ nhung lụa ấy khép lại, đẩy cô gái nhỏ bé của chúng ta vào một tình thế chưa từng có.
Chứng kiến những lần nhà không có gì ăn, mẹ phải đi vay từng đồng lẻ, thêm cả sự dè bỉu từ xóm làng, bạn bè, tựu trong cô đã hình thành một ý chí bảo vệ gia đình vô cùng mãnh liệt. Cô từng đấm vào mặt một đứa bạn học chỉ vì nó vu cáo và nói xấu bố cô và khiến nó không bao giờ động đến gia đình cô một lần nữa.
Rồi đến khi mẹ bị hải quan giữ, ở nhà chỉ có mấy chị em tự giác chăm nhau. Cô kể, tuổi thơ từng đi bắt ốc, mò trai, thêm vài trăm bạc người ta trả nợ, thế là ba chị em cô đủ sống cho tới khi đợi mẹ về.
Sau này, kể cả khi đi học đại học hay quyết định một việc lớn trong đời, Huế LyLy cũng đều tự mình chọn lựa. Sâu thẳm trong cô biết được rằng mình giống như một chỗ dựa của gia đình. Nên dù thế, có những lúc mệt mỏi, chán nản, muốn gục ngã, cô cũng tự nhủ mình phải tiến lên, phải tiếp tục bước.
Cuốn sách giống như một thước phim quay chậm, giúp người đọc hiểu thêm về các giá trị gia đình, về tình thân và sự yêu thương.
Đam mê kinh doanh gắn liền với trọng trách
Ngày bé khi chứng kiến mẹ phải đứng ra để tìm cách mưu sinh, Huế LyLy cũng bắt đầu cùng mẹ gồng gánh chuyện gia đình. Cô quan sát những người xung quanh, tận dụng nguồn hàng vốn có của mẹ để kinh doanh từ rất sớm. Cô buôn từ chiếc bút bi nước, đến phong bao lì xì, hoa, hay bóng bay vào các dịp lễ, Tết. Dù rằng đèo chiếc thùng bóng đèn đến lệch cả vai, cô vẫn bặm môi vui vẻ làm công việc của mình.
Khi tốt nghiệp đại học, Huế LyLy nhanh chóng được tuyển vào làm việc tại một công ty nổi tiếng của Nhật Bản. Đó là một chỗ làm mơ ước đối với rất nhiều người khi đó, và cũng từng là ước mơ của chính cô. Tuy nhiên, khi suy nghĩ kĩ, cô quyết định từ bỏ cuộc sống an định đó để tìm một hướng đi mới trong cuộc đời: “Phải kinh doanh cái gì đó!”. Với cô gái trẻ ấy, kinh doanh không chỉ là đam mê, đúng hơn, kinh doanh khi đó là một lối thoát, một đường dẫn giúp cô lo cho gia đình một cuộc sống tốt hơn.
Thế nên cô lao vào một cuộc chiến mới cùng với một người bạn khác có cùng niềm đam mê kinh doanh. Cửa hàng nội y đầu tiên trên đường Nguyễn Công Trứ là thành tựu đầu tiên mà cô có. Dần dần, cô mở nhiều cửa hàng hơn, đồng thời chăm chỉ tìm hiểu bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Cửa hàng của cô lúc nào cũng đông khách. Chưa có khách hàng nào được cô tư vấn mà phải ra về tay không. Cô bảo, có những lần chốt đơn đến quên cả ăn, cả ngủ, thật chẳng biết vì sao lại phải cố gắng đến mức đó. Mỗi lúc khó khăn và nghĩ đến mọi người, nghĩ đến bố, đến mẹ, cô lại thấy có động lực hơn. “Gia đình là chỗ dựa tinh thần” – tác giả Huế LyLy đã bộc bạch như thế trong cuốn sách đầu tay của mình.
Ép mình phải xinh phải dữ không phải một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, cũng không phải một cuốn sách chia sẻ các tip kinh doanh thường thấy. Đúng hơn, đó là một câu chuyện đời, có biến cố, có trưởng thành, có máu, mồ hôi và nước mắt. Hình ảnh một cô gái trẻ với ý chí sắt đá và một trái tim quả cảm đầy yêu thương như kéo chúng ta vào một miền suy nghĩ. Gia đình hẳn nhiên lúc nào cũng đáng quý như vậy. Gia đình là sự thân thương, là chỗ dựa vững chắc để những đứa con có thể bay nhảy, được tung cánh trên mọi nẻo đường. Mỗi từ, mỗi con chữ trong cuốn sách đều chứa đựng một tình yêu thương vô cùng. Và cuốn sách đã đi vào trong tim người đọc như thế.
Thường AnBạn đang xem bài viết Ép mình phải xinh phải dữ: Bài học sâu sắc về gia đình, tình thân tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].