Vừa lên lớp một, Totto-chan đã bị đuổi học vì quá nghịch ngợm. Cô giáo kết luận Totto-chan là một đứa bé hư hỏng, mơ mộng hão huyền, đầu óc trên mây, khả năng tập trung kém.
Mẹ Totto-chan quyết định chuyển em tới ngôi trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.
Tại đây, Totto-chan cùng 50 em học sinh khác đã có một tuổi thơ không bao giờ quên dưới một nền giáo dục kỳ lạ mà tuyệt vời.
Ngôi trường mơ ước khác trường truyền thống
Trường Tomoe được xây dựng trên một đoàn tàu cũ. Để làm phòng học, nhà trường đã phải tận dụng ‘sáu toa tàu bỏ không’ với ‘hai cột cổng trường là hai gốc cây còn nguyên rễ’, khác xa trường cũ có cổng là hai cột xi măng chắc chắn gắn biển tên trường.
Ngày đầu tiên đi học, mọi thứ đều xa lạ, từ thầy cô, bạn bè cho tới không gian học tập. Ngay khi được mẹ dẫn tham quan 6 toa tàu cũ được tận dụng làm phòng học, Totto-chan đã hét lên sung sướng: ‘Con rất thích trường này!’.
Cũng bởi vậy mà sáng hôm sau, thay vì mẹ phải hò hét, thúc giục dậy sửa soạn chuẩn bị đi học như mọi hôm thì Totto-chan rất tự giác, dậy sớm, vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo gọn gàng, đeo cặp sách và sẵn sàng tới lớp.
Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra ‘phẩm chất tốt’ ở đứa trẻ, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở thành một người có cá tính.
Ở Tomoe, các em học sinh được quyền chọn học môn nào trước môn nào sau, được đi ra ngoài thực tế, khám phá những thứ gần gũi nhất, từ con bươm bướm đến cành cây ven đường…
Không chỉ vậy, trường Tomoe cho những bé như Totto-chan được phát triển toàn diện, về cả kiến thức và nhân cách, chứ không chỉ học các môn văn hoá chất chồng trong cặp sách khiến các bé phải oằn lưng đeo tới lớp mỗi ngày.
Ngôi trường Tomoe để học sinh tự tìm hiểu cuộc sống theo cách của riêng mình, tự chịu trách nhiệm với hành động của mình từ lúc rất nhỏ, để học sinh tư duy và sáng tạo theo cách của riêng mình.
Ngôi trường chan hòa với thiên nhiên cho phép các em học sinh dạo chơi cả buổi mà không hề chán.
Nếu như ở trường cũ, mẹ Totto-chan liên tục bị các thầy cô triệu tập phản ánh cô bé liên tục đóng mở nắp bàn gỗ, gây ồn ào trong lớp, gọi gánh hát rong đi qua vào lớp học chơi, đứng ngơ ngẩn cạnh cửa sổ nói chuyện với lũ chim nhạn… khiến tất cả học sinh trong trường không học được thì ở trường Tomoe, bé được tự do phát triển bản thân và được các thầy cô trân quý những điều ngây ngô, đáng yêu đó.
Người thầy hiệu trưởng tuyệt vời
Ngôi trường tuyệt vời đó đã không tồn tại nếu không có thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.
Trong truyện, thầy Kobayashi được miêu tả rất mộc mạc, gần gũi với tình yêu thương vô bờ dành cho trẻ em.
Giữ chức hiệu trưởng danh giá nhưng thầy Kobayashi vẫn trực tiếp đứng lớp giảng bài và trò chuyện với học sinh một cách gần gũi.
Ở trường cũ, Totto-chan bị thầy cô và bạn bè lên án là vậy nhưng khi đến với ngôi trường mới Tomoe này, cô bé vẫn giữ vẹn nguyên nét cá tính của mình nhưng thầy hiệu trưởng Kobayashi có những nhìn nhận, đánh giá tích cực về Totto-chan.
Thầy Kobayashi kiên nhẫn ngồi 4 tiếng đồng hồ để nghe Totto-chan huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới biển mà không chút khó chịu. Thầy luôn nói: ‘Totto-chan, em thật là một cô bé ngoan’.
Thầy còn khuyến khích các em sáng tác truyện, đứng trước lớp kể cho bạn bè nghe, để các em không cảm thấy xấu hổ khi đứng trước đám đông trình bày về suy nghĩ của mình.
Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo. Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa.
Cả cuộc đời thầy dành để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, mà ở đây là tìm tòi phương pháp để giúp các em học sinh hiếu động có thể tiếp thu kiến thức theo cách ‘chơi mà học’ và đồng thời giữ được tuổi thơ của các bé.
Nhờ cách thức học mới mà những cô bé, cậu bé như Totto-chan hăng say thu lượm kiến thức mới với những bài học của thầy: học làm người nông dân trong lần đi thực tế 1 buổi canh tác cùng bác nông dân thực thụ, những buổi tối đi tìm con ma…
Chính ngôi trường Tomoe và người thầy thầy hiệu trưởng tận tâm đó đã giúp Totto-chan có một tuổi thơ bình đẳng như các bạn cùng lứa.
Những giờ ăn trưa sáng tạo, không bỏ mứa
Giờ ăn trưa với ‘một ít ở biển, một ít ở núi’ mà thầy Kobayashi thường nhắc cha mẹ chuẩn bị cho các con bắt đầu bằng việc thầy đến kiểm tra từng hộp cơm của mỗi bé.
Có khi người mẹ nào đó vì quá bận rộn mà chỉ có thể chuẩn bị cho con mình một ít ở biển hoặc chỉ có một ít ở núi mà không đủ cả hai loại, thầy là người bố trí để các bé có phần ăn đủ chất dinh dưỡng.
Khi thầy hiệu trưởng đi quanh một lượt quan sát, vợ thầy theo sau, bà mặc một cái tạp dề nấu ăn màu trắng và bưng mỗi tay một chảo thức ăn.
Nếu thấy dừng lại trước một học sinh nào và chỉ cần nói ‘biển’, bà liền gắp cho em đó một cặp cá cuốn. Nếu thầy hiệu trưởng nói ‘núi’ thì bà lại gắp mấy khoanh khoai tây sốt nước tương từ chảo đựng thức ăn ‘núi.’
Rồi thầy trắc nghiệm các bé xem món nào là ‘món biển’, món này có phải là ‘món núi’ không? Từ đó, thúc đẩy sự nhận biết của các bé về món ăn, giúp các học sinh tăng tư duy và phán đoán. Bữa ăn ngập tràn niềm vui và các bé ăn hết bữa trưa của mình là vì thế.
Chắc chắn mỗi học sinh đều mơ ước được như Totto-chan may mắn vào học một trường như Tomoe, với một thầy hiệu trưởng như ông Kobayashi.
‘Tottochan – Cô bé bên cửa sổ’ được viết bằng lối viết rất mộc mạc, gần gũi. Tác giả kể từng thước phim tuổi đi học bằng lối diễn đạt ngô nghê, đáng yêu của cô bé 6 tuổi.
Bởi vậy, cuốn sách sẽ không dành cho những ai muốn tìm kiếm sự độc đáo, trau chuốt trong ngôn từ.
Bên cạnh bài học về sự lắng nghe, thấu hiểu trẻ nhỏ, tác phẩm cũng làm nổi bật lên tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn và cách đối xử tốt đẹp giữa người với người.
Tottochan đã học một cách rất tự nhiên cách sống không phân biệt, kỳ thị bất kỳ ai, học cách tôn trọng tất cả mọi người ở mọi nghề…
Và quan trọng hơn cả, Totto-chan tuy cá tính hơn các bạn nhưng được giáo dục và sống bình đẳng như các bạn cùng lứa.
Mẹ luôn kiên nhẫn trước những hành động khó hiểu của Totto-chan
Totto-chan sinh trưởng trong một gia đình hạnh phúc, có cha là nghệ sĩ vĩ cầm, mẹ là vận động viên bóng rổ, nhà em còn nuôi con chó lớn tên Rocky.
Ngay từ khi sinh ra, cô bé được ủ ấm và bao bọc trong tình yêu thương của bố mẹ mình. Cứ như vậy, Totto-chan hồn nhiên lớn lên với cá tính dần được hình thành.
Hầu như ngày nào mẹ cũng phải khâu quần áo cho cô bé vì suốt ngày chui qua chui lại hàng rào thép gai. Mẹ lặng lẽ vá miếng quần áo rách mà không hề trách mắc Totto-chan.
Mẹ là người để Totto-chan tự vấp ngã và đứng lên. Như khi mẹ biết chắc mấy con gà con sẽ chết nhưng vì Totto-chan nhất quyết đòi mua, không nghe bố mẹ khuyên bảo, mẹ vẫn mua và để Totto-chan trải qua cảm giác đau khổ khi đi chôn những chú gà con – tự chịu hậu quả cho việc làm của mình.
Với những cử chỉ và hành động khác các bạn trong lớp, Tottochan bị gắn mác là một đứa trẻ hư, ngang bướng và hết-thuốc-chữa. Cho dù, với sự ngây ngô của một cô bé 6 tuổi, Totto-chan có giải thích về hành vi của mình như thế nào thì chỉ nhận lại cái lắc đầu từ các thầy cô giáo.
Nhà trường quyết định đuổi học Totto-chan để tránh ảnh hưởng tới tất cả học sinh trong trường.
Biết được tin đó, mẹ Totto-chan đã âm thầm tìm cho con của mình một ngôi trường khác phù hợp hơn. Vì sợ cô bé tủi thân nên mẹ đã không nói về việc em bị đuổi học mà chỉ nhẹ nhàng bảo Totto chan chuyển tới ngôi trường mới.
An VyBạn đang xem bài viết Đọc chuyện cô bé Totto-chan, ngẫm về ngôi trường mọi đứa trẻ đều muốn học tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].