Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Độ pH của da là gì? 11 cách cân bằng độ pH của da giúp da khỏe đẹp hơn

Có nhiều yếu tố cùng xây dựng nên một làn da khỏe mạnh, trong đó độ pH của da đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm độ pH của da và các cách cân bằng độ pH da để chăm sóc và bảo vệ làn da của mình qua bài viết dưới đây nhé!

1 Độ pH trên da là gì? Độ pH tốt cho da

Độ pH trên da là gì? 

Thuật ngữ "pH" dùng để chỉ thang đo được sử dụng để đo độ acid hoặc độ kiềm của một thứ gì đó.

Da người có giá trị pH riêng và khoảng pH này cũng khác nhau giữa từng người, với các giá trị nằm trong khoảng từ 4 – 6.

Trong đó, độ pH da mặt thường nằm trong khoảng 4,5 – 5,5. Điều này có nghĩa là pH da thuộc loại acid yếu. Giá trị pH của da cũng có thể thay đổi tùy từng vị trí khác nhau trên cơ thể.

Độ pH da mặt thường trong khoảng 4,5 - 5,5

Độ pH da mặt thường trong khoảng 4,5 - 5,5

Các yếu tố ảnh hưởng đến độ pH da

  • Nước: Nước có giá trị pH là 7, còn gọi là pH trung tính. Vì giá trị pH của nước cao hơn da nên nước có thể làm tăng độ pH của da khi tiếp xúc. 
  • Sản phẩm làm sạch da: Các sản phẩm làm sạch da cũng có thể làm thay đổi giá trị pH của da khi sử dụng. Xà phòng rửa tay thường có độ pH kiềm từ 9 – 11, từ đó làm cho pH lòng bàn tay tăng khoảng 3 đơn vị. Việc này khiến pH da tay có thể mất ổn định trong vài giờ để trở lại giá trị bình thường.
  • Tuổi tác: Quá trình lão hóa có ảnh hưởng lâu dài đến độ pH của da. Điều này đặc biệt rõ rệt ở trẻ em và người già, hai đối tượng này thường có độ pH da cao hơn người trưởng thành.
  • Chủng tộc: Nhiều nghiên cứu thống kê đã chứng minh rằng những người có làn da sẫm màu hơn có độ pH da thấp hơn những người có làn da sáng hơn. Tuy nhiên, kết luận này vẫn chưa được xác thực cụ thể. 
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: Các tia UV có hại của ánh nắng mặt trời làm suy yếu lớp acid trên da của bạn, khiến da trở nên kiềm hơn và dễ gặp các vấn đề như tăng sắc tố, xỉn màu và mụn trứng cá, đồng thời da cũng sớm trở nên lão hóa nếu không được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.

Nước là một trong những yếu tố làm thay đổi pH da

Nước là một trong những yếu tố làm thay đổi pH da

Độ pH các vùng da trên cơ thể khác nhau như thế nào? 

Như đã đề cập phía trên, pH da của người dao động trong khoảng 4 - 6. Tuy nhiên, pH giữa các vùng da khác nhau trên cơ thể một người cũng có sự khác nhau nhất định.

Và ngay cả các vùng khác nhau trên khuôn mặt cũng có pH riêng biệt, ví dụ cằm có giá trị pH cao nhất, khoảng 5,5; trán và mí mắt trên có xu hướng có giá trị pH thấp nhất, khoảng 4,5.

Độ pH da thay đổi tùy theo từng vùng cơ thể

Độ pH da thay đổi tùy theo từng vùng cơ thể

2 Vai trò của độ pH trên da

Độ pH da có ảnh hưởng đến sức khỏe làn da như thế nào? 

Duy trì làn da khỏe mạnh: Việc duy trì độ pH da ở mức ổn định là vô cùng quan trọng. Bởi da cần một lớp phủ acid tự nhiên đóng vai trò như hàng rào bảo vệ, giúp da tránh khỏi sự xâm nhập và phát triển của các loại vi khuẩn gây hại. 

Nếu sự cân bằng của da bị mất, bạn có thể gặp phải các mảng da khô, bong tróc cũng như dễ mắc các bệnh về da như mụn trứng cá, chàm và bệnh vẩy nến.

Để lựa chọn các loại mỹ phẩm phù hợp: Nếu bạn yêu thích mỹ phẩm hoặc sử dụng mỹ phẩm hàng ngày nhưng có phản ứng với chúng, đó có thể là do độ pH của sản phẩm không phù hợp với bản tính pH da bạn.

Vì thế, xác định đúng độ pH da giúp bạn chọn lựa được những sản phẩm chăm sóc da phù hợp hơn.

Độ pH da ổn định giúp bảo vệ làn da khỏe mạnh

Độ pH da ổn định giúp bảo vệ làn da khỏe mạnh

Vai trò của độ pH da trong việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da 

Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da có pH phù hợp là điều hết sức quan trọng, bởi nếu mỹ phẩm bạn sử dụng không phù hợp với pH làn da, da sẽ trở nên mẩn cảm, dễ kích ứng và có thể gặp các vấn đề như nổi mụn ẩn, mụn trứng cá.

Sau đây là một số thông tin về độ pH của từng sản phẩm chăm sóc da bạn có thể tham khảo:

  • Sữa rửa mặt: pH 4,5–7.
  • Toner: pH 5–7.
  • Kem chống nắng: pH 5–7,5.
  • Tẩy tế bào chết AHA và BHA: pH 3,2–3,9, với bất kỳ giá trị nào nằm trong khoảng từ 3 đến 4 được coi là hiệu quả nhất.
  • Dưỡng ẩm: pH 5–7.
  • Serum: pH 4–6.
  • Vitamin C (acid ascorbic): pH 2,6–3,2.
  • Sản phẩm retinol: pH 4–6,6.

Bạn cần lựa chọn các mỹ phẩm có pH phù hợp với độ pH da

Bạn cần lựa chọn các mỹ phẩm có pH phù hợp với độ pH da

3 Nguyên nhân khiến da bị mất cân bằng độ pH

  • Do hoá chất độc hại: Một số hóa chất trong sữa rửa mặt, điển hình là chất nhũ hóa hóa học, được coi là mối đe dọa, gây mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ da của bạn. Ngoài ra, các hóa chất có tính kiềm khá cao như natri lauryl sulfat, sẽ làm mất cân bằng độ pH da.
  • Do thay đổi hormone trong cơ thể: Nội tiết tố cũng có thể phá vỡ mức độ pH của da. Sự thay đổi của các hormone sinh dục như estrogen và progesterone sẽ khiến làn da sản xuất dầu dư thừa. Đồng thời, khi phụ nữ bắt đầu giai đoạn mãn kinh (tầm 50 tuổi) độ pH da sẽ ngày càng trở nên trung tính hơn.
  • Dùng các sản phẩm quá acid hoặc quá kiềm: Bạn cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn các sản phẩm mỹ phẩm, tránh các sản phẩm quá nhiều kiềm hoặc quá nhiều acid.
  • Do chế độ ăn uống: Nếu chế độ ăn uống có nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, đường da của bạn sẽ dễ bị nổi mụn và mẩn đỏ.

Thay đổi nội tiết tố là một nguyên nhân gây mất cân bằng pH da

Thay đổi nội tiết tố là một nguyên nhân gây mất cân bằng pH da

4 Các dấu hiệu da đang bị mất cân bằng pH 

Một số dấu hiệu cảnh báo da của bạn đang bị mất cân bằng độ pH bao gồm:

  • Da nhờn quá mức, đổ nhiều dầu hơn bình thường.
  • Da bị các mảng khô, đỏ và phát ban.
  • Da bị chàm, bệnh vẩy nến.
  • Xuất hiện tình trạng mụn viêm, mụn trứng cá.
  • Các dấu hiệu lão hóa như đường nhăn, nếp nhăn và da chảy xệ.

Da bị mụn viêm, đổ nhiều dầu là dấu hiệu của mất cân bằng pH da

Da bị mụn viêm, đổ nhiều dầu là dấu hiệu của mất cân bằng pH da

5 Tác hại khi da bị mất cân bằng độ pH

Khi lớp màng acid của da trở nên quá kiềm, da của bạn trở nên nhạy cảm và khô, thậm chí có thể bị viêm và có dấu hiệu lão hóa do lớp collagen trên da dễ bị phá hủy. Điều này thường xảy ra khi bạn thay đổi sản phẩm chăm sóc da quá thường xuyên.

Khi bạn sử dụng các sản phẩm có pH kiềm cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng thẩm thấu của da. Từ đó, da sẽ dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động vào da, chất gây kích ứng và vi sinh vật.

Độ pH của da cao hơn có thể gây ra các vấn đề về da như:

  • Bệnh vảy cá, viêm da dị ứng (hoặc chàm).
  • Nhiễm trùng da do nấm, thường gặp nấm men Candida albicans gây ra.
  • Mụn trứng cá, mụn viêm nghiêm trọng.

Da bị mất cân bằng pH sẽ dễ bị tổn thương và nổi mụn

Da bị mất cân bằng pH sẽ dễ bị tổn thương và nổi mụn

6 Cách đo độ pH cho da

 

Hiện nay, có 3 cách đo độ pH trên da được sử dụng rộng rãi như sau: 

  • Dùng que thử tại nhà: Xét nghiệm nước bọt và nước tiểu, có thể xác định mức độ pH tổng thể của cơ thể. Tuy nhiên cách này khó để bạn biết được pH của bề mặt da.
  • Đo tại cơ sở da liễu: Bác sĩ da liễu có thể cung cấp xét nghiệm độ pH da, đồng thời đưa ra các lời khuyên về mỹ phẩm nên sử dụng cũng như các dịch vụ chăm sóc da.
  • Quan sát các dấu hiệu trên da: Làn da khỏe mạnh, không khô, không đổ quá nhiều dầu có thể được coi là cân bằng pH. Khi da bị kích ứng và nổi mẩn, mụn trứng cá có thể là dấu hiệu da bạn có xu hướng nghiêng về tính kiềm.

Bác sĩ da liễu sẽ cung cấp xét nghiệm pH da và đưa ra lời khuyên về mỹ phẩm phù hợp

Bác sĩ da liễu sẽ cung cấp xét nghiệm pH da và đưa ra lời khuyên về mỹ phẩm phù hợp

7 Cách cân bằng độ pH cho da

Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ

Các loại sữa rửa mặt có tính kiềm có thể khiến làn da bạn dễ bị kích ứng. Thay vào đó, hãy sử dụng các loại sữa rửa mặt có pH acid để có thể duy trì pH da dưới mức 6, hạn chế các loại mụn hay bệnh da liễu như bệnh chàm, vẩy nến.

Dùng toner 

Các loại toner có độ pH trong khoảng 5 - 7 có thể giúp trung hòa lượng kiềm còn sót lại sau khi rửa mặt gây ảnh hưởng đến pH của da, phù hợp để sử dụng hằng ngày một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, toner không được khuyến khích ở người mắc bệnh về da vì dễ gây trầm trọng thêm tình trạng. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho làn da, bạn hãy đến khám các bác sĩ da liễu và nghe tư vấn lựa chọn loại toner phù hợp nhé!

Dưỡng ẩm cho da 

Dưỡng ẩm là một bước rất quan trọng trong quy trình chăm sóc da, dù cho da bạn thuộc thiên hướng da dầu hay da khô.

Việc đảm bảo độ ẩm cho da giúp duy trì độ pH phù hợp, đồng thời bảo vệ da khỏi các tác nhân bên ngoài.

Nếu da bạn quá khô, sẽ dễ bị nứt nẻ, sần sùi và tăng khả năng bị tổn thương. Ngược lại, nếu da bạn quá dầu, lỗ chân lông bít tắc sẽ khiến da dễ nổi mụn.

Do đó, hãy lựa chọn thật kỹ loại dưỡng ẩm phù hợp hoặc nếu cần, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu. 

Tẩy tế bào chết

Nhiều nghiên cứu cho rằng, để duy trì làn da khỏe mạnh, chúng ta nên tiến hành tẩy tế bào chết cho da mỗi tuần. Việc loại bỏ đi lớp tế bào chết bên ngoài vừa giúp da sáng mịn, khỏe mạnh vừa đảm bảo hàng rào bảo vệ da bền vững, từ đó duy trì pH da phù hợp.

Tuy nhiên, để tránh tổn thương các lớp tế bào trên da và tình trạng kích ứng, chúng ta nên tiến hành tẩy da chết nhẹ nhàng và tẩy tối đa 2 lần/tuần.

Bạn nên tẩy tế bào chết cho da 1 - 2 lần mỗi tuần

Bạn nên tẩy tế bào chết cho da 1 - 2 lần mỗi tuần

Dùng giấm táo 

Giấm táo là một sản phẩm tuyệt vời để điều chỉnh mức độ pH của làn da của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên dùng trực tiếp lên da.

Thay vào đó, bạn nên pha loãng với nước trước khi thoa lên mặt với tỉ lệ nửa cốc giấm táo trộn với bốn cốc nước, lắc đều và bảo quản trong bình xịt.

Bạn có thể sử dụng dung dich đã pha như một sản phẩm xịt khoáng giúp cân bằng độ pH, hỗ trợ làm sáng da tự nhiên.

Giấm táo là một sản phẩm tuyệt vời để điều chỉnh mức độ pH cho da

Giấm táo là một sản phẩm tuyệt vời để điều chỉnh mức độ pH cho da

Dùng lô hội

Lô hội (nha đam) là một loại nguyên liệu đến từ thiên nhiên, dễ kiếm và được sử dụng rộng rãi trong chăm sóc da và tóc của bạn. Nhờ có chứa lượng lớn mucopolysacarid, nha đam có tác dụng giữ ẩm, duy trì pH da ổn định.

Đồng thời, lô hội còn giúp tăng cường sản xuất sợi collagen và elastin, giúp cho làn da trông săn chắc và ít nếp nhăn hơn, từ đó cải thiện các dấu hiệu lão hóa trên da.

Lô hội có tác dụng giữ ẩm, tái cân bằng độ pH tự nhiên của da

Lô hội có tác dụng giữ ẩm, tái cân bằng độ pH tự nhiên của da

Cẩn thận khi dùng các hoạt chất acid 

Các thành phần như acid retinoic, acid hydroxy alpha và beta (AHA và BHA) và acid amin rất tốt cho làn da của bạn và có thể giúp duy trì sự cân bằng acid của da. Hầu hết các sản phẩm không kê đơn có chứa các acid này đều là chất đệm và an toàn khi sử dụng trên da của bạn.

Tuy nhiên, nếu làn da của bạn bắt đầu cảm thấy khô và xuất hiện mẩn đỏ và nhạy cảm, điều đó có nghĩa là da bạn không phù hợp với sản phẩm đó và hãy ngưng sử dụng ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.

AHA, BHA và PHA có thể giúp duy trì sự cân bằng pH của da

AHA, BHA và PHA có thể giúp duy trì sự cân bằng pH của da

Dùng kem chống nắng thường xuyên 

Sử dụng kem chống nắng thường xuyên là điều rất quan trọng để duy trì độ pH của da và bảo vệ da khỏi bị hư hại bởi tác động của ánh nắng.

Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng sản xuất melanin ở lớp biểu bì, do đó khiến da tối màu và tăng nguy cơ ung thư da.

Bạn nên lựa chọn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phổ rộng và bôi hàng ngày trước khi ra nắng. Trước khi đi ngủ, bạn cần tẩy trang và rửa mặt thật sạch sẽ để da không bị bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn.

Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời

Dùng sản phẩm chứa chất chống oxy hoá 

Các chất chống oxy hóa tại chỗ giúp hỗ trợ các tế bào da có thể hoạt động bình thường. Chúng bảo vệ làn da khỏi tác hại của môi trường và căng thẳng, thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

Bạn có thể sử dụng vitamin C (có sẵn ở dạng acid L-ascorbic) để hỗ trợ cân bằng độ pH cho làn da. Mặc dù các công thức vitamin C có tính acid nhẹ, nhưng chúng có thể được sử dụng trên da một cách an toàn (miễn là bạn không sử dụng bất kỳ sản phẩm có tính acid nào khác cùng một lúc).

Vitamin C được biết đến như một chất duy trì cân bằng pH cho da hiệu quả

Vitamin C được biết đến như một chất duy trì cân bằng pH cho da hiệu quả

Tránh dùng nước nóng 

Nước nóng có thể gây hại cho da và phá vỡ sự cân bằng độ pH của da. Nhiệt độ cao của nước còn có thể khiến da bạn trở nên khô hơn sau khi tiếp xúc và nếu không được dưỡng ẩm đầy đủ, da khô sẽ rất dễ bị nổi mụn hơn.

Thay vào đó, bạn hãy sử dụng nước ấm hoặc nước mát khi rửa mặt hoặc tắm để hạn chế làm mất cân bằng độ pH trên da, từ đó cải thiện sức khỏe và độ pH của làn da.

Nhiệt độ cao của nước còn có thể khiến da bạn trở nên khô hơn sau khi tiếp xúc

Nhiệt độ cao của nước còn có thể khiến da bạn trở nên khô hơn sau khi tiếp xúc

Cân bằng chế độ ăn uống 

Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, giàu trái cây, rau xanh và chất béo lành mạnh có thể đóng góp tích cực cho sức khỏe tổng thể và giúp làn da trở nên tươi tắn, hồng hào.

Đồng thời, uống đủ nước cũng là một việc không thể thiếu giúp giữ nước cho da nói riêng và toàn cơ thể nói chung, từ đó hỗ trợ cân bằng độ pH trên da.

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bảo vệ làn da bạn khỏe mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bảo vệ làn da bạn khỏe mạnh

Xem thêm

  • Các bước chăm sóc da cơ bản tại nhà nàng không nên bỏ qua
  • Bí quyết chăm sóc da để chống lão hoá
  • Cách chăm sóc da tuổi dậy thì đúng cách giúp da khỏe, ngăn ngừa mụn

Trên đây là bài viết cung cấp một số thông tin về độ pH của da cũng như các cách để duy trì độ pH da ổn định. Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ đến mọi người xung quanh để cùng nhau chăm sóc sức khỏe làn da nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính