ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, hệ tiết niệu gồm 2 thận nằm phía sau 2 bên hông lưng và hệ thống dẫn nước tiểu gồm 2 niệu quản, 1 bàng quang và niệu đạo.
Thận ngoài làm nhiệm vụ lọc các chất thải (độc tố ure) từ quá trình chuyển hóa của cơ thể, thận còn giúp thải muối và nước dư thừa, điều hòa huyết áp, cân bằng tình trạng toan kiềm của cơ thể, tiết yếu tố kích thích tạo máu, duy trì sức khỏe hệ xương do tạo ra vitamin D...
Như vậy có thể thấy thận là 1 trong những cơ quan rất quan trọng của cơ thể, nhưng nếu ăn uống không hợp lý sẽ làm thận bị hủy hoại, nhất là việc thường xuyên ăn những thực phẩm chứa nhiều muối như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt, hải sản…
Giải thích rõ hơn về việc thực phẩm chứa nhiều muối gây hủy hoại thận, tiến sĩ dinh dưỡng Nghiêm Nguyệt Thu cho biết, thận có chức năng bỏ bớt lượng dịch thừa ra khỏi cơ thể, gọi là nước tiểu.
Khi ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều muối sẽ gây thừa muối, hàm lượng muối trong lòng mạch máu tăng cao hơn bình thường và làm mất sự cân bằng muối trong cơ thể, khiến thận phải thải muối cùng với nước qua nước tiểu.
Nếu thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối sẽ tạo gánh nặng cho thận, thận trở nên yếu đi và lâu dần dẫn đến hỏng thận. Để bảo vệ thận, tốt nhất nên hạn chế những thực phẩm nhiều muối dưới đây.
Các món mắm: Một gia vị phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của người Việt chúng ta là các loại mắm, như nước mắm, mắm cá, mắm tôm chua, mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép, mắm cáy, mắm… Các loại mắm này được làm từ các loại cá, tôm, ruốc, moi, tép, cua, cáy trộn cùng muối và một số gia vị khác đặc trưng rồi ủ trong một thời gian cho lên men, tạo ra màu sắc và hương vị đặc trưng. Lượng muối trong các loại thực phẩm này đặc biệt cao, ví dụ chỉ với 5g mắm tôm chứa 515 mg muối, 5g mắm tép chua chứa 135mg muối.
Các món muối thực phẩm để lên men (dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối…): Một điều không thể phủ nhận là dưa muối, cà muối, bắp cải muối là những món ăn “đưa cơm”. Dưa, cà, kiệu muối được làm bằng cách ngâm cà, dưa cải, bắp cải với nước pha muối và chút đường để lên men chua. Lượng muối trong 100g dưa chuột muối khoảng 2,5g;
Các loại thịt, cá ăn liền, chế biến sẵn: Thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… cũng đã có chứa muối. Do đó đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế chấm thêm gia vị chứa muối trong khi ăn.
Các loại súp, nước dùng, nước sốt: Đây là những thực phẩm đặc biệt chứa nhiều muối. Trong 1 bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2 - 4gr muối.
Các loại mì ăn liền, pizza, spaghetti: Đây đều là những thực phẩm chứa nhiều muối “tiềm ẩn”. Thường xuyên ăn những thực phẩm này sẽ tạo gánh nặng cho thận và dẫn đến hại thận.
Đồ ăn vặt: Một số đồ ăn vặt như bimbim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Trong gói bim bim 48g có tới gần 900mg muối; trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3g có tới 195 mg muối.
Hải sản: Hầu hết các loại hải sản đều chứa nhiều muối hơn các loại sinh vật sống trong nước ngọt. Nên lưu ý khi nấu, chế biến các loại thực phẩm này, cho thêm ít muối hơn các loại khác.
Bên cạnh việc thường xuyên ăn những thực phẩm nhiều muối thì những thói quen lối sống ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, thuốc lá, lạm dụng dùng thuốc cũng là nguyên nhân gây ra tổn thương thận không phục hồi (suy thận mãn tính). Vậy nên, để cơ thể luôn khỏe mạnh, cần bỏ những thói quen xấu càng sớm càng tốt.