Điều buồn nhất năm

"Những ngày này, các nhà báo đặt câu hỏi với tôi, rằng việc làm tôi buồn nhất trong năm 2018 về nghề của mình là gì. Không một giây chần chừ, tôi nghĩ ngay đến vụ án chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình".

  Bác sĩ Hoàng Công Lương tại nhà - ảnh Tú Anh

Bác sĩ Hoàng Công Lương tại nhà - ảnh Tú Anh

Ngày 8/1/2019 tới đây, Hoàng Công Lương và sáu người khác tiếp tục bị đưa ra xét xử sơ thẩm trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh làm 9 người tử vong. 

Từ khi xảy ra sự cố, khởi tố vụ án đến khi xét xử tại toà sơ thẩm, vụ án đã thu hút sự quan tâm, tranh luận đặc biệt với câu hỏi: Bác sĩ Hoàng Công Lương có tội hay không? 

Giới luật sư và các chuyên gia y tế, họ đã dành nhiều thời gian và tâm sức phân tích một cách khoa học, tỉ mỉ, cặn kẽ; họ chỉ ra một thực tế là cơ quan điều tra và viện kiểm sát không đủ bằng chứng để kết tội Bác sĩ Lương.

Bị can Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc bị xét xử tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt 3-10 năm tù. Nhiều người trong ngành y lo ngại nó trở thành một tiền lệ có thể làm cho bác sĩ sẽ "chùn tay" hơn trong việc chữa trị cho bệnh nhân. 

Trước khi phiên toà diễn ra, bên thềm năm mới, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, là Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có một bài viết sâu sắc về việc này. Được sự đồng ý của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết này: 

"Đây là vụ án tốn "giấy mực" nhất của ngành Y mà tôi biết cho đến hôm nay. Vụ án được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và đặc biệt là giới Y khoa Việt Nam. Với tư cách là đại biểu Quốc hội đại điện cho ngành Y, tôi đã lên tiếng ngay từ phút đầu tiên và luôn theo dõi sát mọi diễn biến của phiên tòa sơ thẩm.

Tôi cũng đã có thêm rất nhiều bạn mới trên mạng xã hội, từ nhân viên y tế, luật sư, nhà báo cho đến những người thuộc đủ mọi ngành nghề, vị trí xã hội. Họ đều bày tỏ quan điểm chung là muốn vụ án được xét xử công bằng, đúng người đúng tội. Họ đã tạo một luồng dư luận mạnh mẽ để sự thật dần hé lộ ra ánh sáng.

Lúc đầu, tôi đã hy vọng, khi biết rằng có lẽ vì sự quyết tâm của rất nhiều người tôi chưa biết hết mặt kia, những khuất tất của bệnh viện Hòa Bình, của công ty Thiên Sơn, lỗ hổng trong quản lý nhà nước... được phát hiện; những người có tội bị khởi tố ngay sau phiên xét xử đầu tiên. Chúng ta đều ghi nhận sự cầu thị của tòa án Hòa Bình khi dừng phiên xử để trả lại hồ sơ tiếp tục điều tra.

Tôi cũng đã rất hy vọng công lý sẽ được thực thi, những đóng góp của mình và mọi người không trở nên vô nghĩa. Nhưng cho đến những ngày cuối năm này, có thể khẳng định đây là chuyện làm tôi buồn nhất với tư cách đại biểu Quốc hội của mình.

Rất buồn vì sau những cố gắng của tôi và hàng nghìn người, một án tù treo đã bị chuyển sang "tù giam"; một tội danh không hợp lý sang một tội danh vô lý “vô ý làm chết người". Với tội danh này, án tù cho bác sỹ Hoàng Công Lương có thể lên đến 8 năm, chấm đứt gần như hoàn toàn tương lai của một bác sĩ người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản.

Nếu bị kết án, bản án dành cho Lương sẽ là bản án "treo" lơ lửng trên đầu của tất cả nhân viên y tế Việt Nam đang trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, trong đó có cả tôi.

Nếu trong một cuộc phẫu thuật, can thiệp đòi hỏi sự chính xác rất cao, chỉ một thao tác không chuẩn có thể gây ra biến chứng ảnh hướng đến tính mạng bệnh nhân.

Liệu lúc đó bác sĩ có bị quy vào tội vô ý làm chết người hay không? Nếu là như vậy, chắc chắn chúng tôi sẽ không dám mổ những ca phức tạp, nguy cơ tử vong cao nữa. Các bệnh viện đặc biệt ở tuyến dưới sẽ chuyển hết bệnh nhân lên tuyến trung ương; còn tuyến trung ương lại chuyển trả về... nhà. Vì, ai mà dám đụng vào để "đi tù mọt gông".

Tôi cũng hiểu "cái khó" của Viện Kiểm sát khi tìm ra được một tội danh thích hợp cho bác sỹ Lương với bản kết luận điều tra bổ sung không khác nhiều so với bản điều tra ban đầu; “cái khó" khi xử một vụ án mà có quá nhiều sức ép của dư luận xã hội; "cái khó" của một vụ án mà chưa có "án lệ" từ trước đến nay...

Lúc này đây, rất cần những cái đầu thật tỉnh táo, uyên bác của hội đồng xét xử, sự sắc sảo, nhiệt huyết của các vị luật sư bào chữa và cũng cả từ trái tim biết lắng nghe thấu hiểu của vị kiểm sát viên giữ quyền công tố.

Nếu ba nhân tố ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, Toà có thể tuyên án đúng người đúng tội như một sự đền bù để giảm bớt nỗi đau của gia đình người bệnh đã mất hoặc bị ảnh hưởng sức khoẻ. Khi ấy, tôi tin chắc rằng dư luận xã hội sẽ tâm phục, khẩu phục. Và vụ án sẽ thành án lệ nổi tiếng được nhắc đến rất nhiều lần nữa trong tương lai.

Tôi cũng đã thử tra cứu trên mạng về các vụ việc tương tự như vụ Hoà Bình trên thế giới, kết quả là có không ít vụ như vậy ở Edmonton - Canada, Sydney, Úc hay ở Hồng Kông. Điển hình là vụ việc ở Edmonton. Rất may, tôi có người bạn thân đang là giáo sư giảng dạy y khoa ở Đại học Alberta ngay thành phố này. Anh đã trực tiếp tìm hiểu về vụ việc với một số người liên quan và chia sẻ với tôi. Đây là vụ án gây tử vong một bệnh nhân và ba người khác phải cấp cứu tối khẩn trong quá trình chạy thận nhân tạo.

Nguyên nhân cũng là do sai sót trong bộ phận kỹ thuật vận hành hệ thống RO cấp nước cho lọc thận - tương tự như đã xảy ra với bác sỹ Lương. Ngày 29/5/2015, hệ thống cấp nước cho các máy thận nhân tạo (hệ thống RO) của bệnh viện Royal Alexandra được tiến hành bảo trì khử khuẩn định kỳ.

Nhân viên kỹ thuật của công ty Atek Water Systems đã tiến hành khử khuẩn đường ống cấp nước bằng acid peracetic và ôxy già, song anh này đã vặn nhầm một van khóa làm cho hóa chất đó đi vào các máy thận nhân tạo gây ra hậu quả như kể trên.

Tòa án Canada đã xử kín vụ việc theo nguyện vọng của cả phía bệnh viện cũng như những người bị hại. Con số bồi thường sau vụ xử không được công bố, nhưng chắc chắn một điều: không một bác sĩ nào phải đi tù.

Không phải là người trong ngành tư pháp, nhưng là một nhà khoa học, tôi xin mạnh dạn góp ý theo cách chúng tôi thường làm khi gặp một trường hợp bệnh lạ chưa từng thấy ở Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tra cứu y văn, việc này thực sự rất dễ với trình độ công nghệ ngày nay. Sau khi tìm thấy những trường hợp tương tự, chúng tôi sẽ học tập kinh nghiệm của thế giới.

Nếu vẫn chưa thực sự thông suốt về vụ việc, chúng tôi sẽ trực tiếp liên hệ với tác giả của bài báo để cùng thảo luận.

Ngành Y nói riêng và cuộc sống nói chung là muôn màu muôn vẻ nhưng luôn có những quy luật mà nắm bắt nó chính là chìa khoá của thành công và chân lý".

Điều buồn nhất năm 1

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, là Đại biểu Quốc hội khóa XIV.

PGS.TS là chuyên gia tim mạch, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp tim mạch trẻ em, có nhiều cống hiến trong lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam.

Ông còn được biết đến là bác sĩ giàu lòng nhân ái, thường xuyên tham gia các công tác khám chữa bệnh từ thiện ở những vùng khó khăn trên cả nước.. Facebook của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu có nhiều góc nhìn thấu suốt, góc cạnh và nhân văn về ngành y.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính