Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét (25/4), Gia Đình Mới đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, TS BS. Vũ Quốc Bình – nguyên Trưởng ban chỉ đạo phòng chống sốt rét Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban quản lý dự án sốt rét quân đội Việt Nam – Australia, thành viên ban chỉ đạo chương trình phòng chống sốt rét Quốc gia.
PV: Thưa ông, theo một báo cáo của các chuyên gia quốc tế về sốt rét vừa được công bố tại Hà Nội nhân Ngày Thế giới Phòng chống Sốt rét (25/4) đã đưa ra nhận định: “Việt Nam đã sẵn sàng để loại trừ sốt rét”. Là một nhà khoa học Việt Nam có nhiều “duyên nợ” với căn bệnh này, ông có chia sẻ gì về nhận định trên?
TS BS Vũ Quốc Bình: Hơn 200 năm qua, kể từ ngày chúng ta phát hiện ra bệnh sốt rét, thì việc kiểm soát, khống chế căn bệnh này vẫn là bài toán nan giải với những giải pháp chỉ có tính tạm thời cho từng quốc gia cũng như từng khu vực. Bởi kể từ khi con người tìm ra con ký sinh trùng gây bệnh sốt rét đến nay, các nước đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền của nhưng vẫn chưa loại bỏ được nó hoàn toàn. Hàng năm vẫn có gần nửa triệu người trên thế giới chết vì bệnh sốt rét, chiếm 50 - 60% trong số đó là trẻ em và bệnh vẫn phổ biến ở các nước chậm phát triển và đang phát triển.
Quay trở lại với câu chuyện phòng chống sốt rét của Việt Nam, tôi thấy nhận định trên của báo cáo quốc tế là có cơ sở. Vì với hơn 40 tỉnh không có sốt rét, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống sốt rét giai đoạn 2011 - 2020. Từ năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10.000 ca sốt rét mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận từ kiểm soát sốt rét sang loại trừ sốt rét, với mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Trước đây, chúng ta có cả Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh sốt rét với nhiều giải pháp quyết liệt đẩy lùi số người mắc bệnh cũng như hạn chế và kiểm soát khoanh vùng các nguy cơ. Nay nó trở thành chương trình phòng dịch thường niên của ngành y tế khá bài bản được Tổ chức Y tế thế giới và các nước đánh giá cao.
Tôi cũng xin được nói thêm, không có nước nào có kinh nghiệm phòng chống sốt rét bằng Việt Nam. Bởi vì nước ta từng trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong đó ở cuộc kháng chiến chống Mỹ, căn bệnh sốt rét đã hoành hành và trở thành một trong những yếu tố gây tiêu hao lực lượng quân đội Việt Nam kinh khủng nhất. Còn nhớ, trong kháng chiến tại mặt trận 559, có những lúc bệnh sốt rét bùng phát khiến 60% lực lượng bộ đội điều vào Nam chiến đấu dính bệnh, nhiều người đã hy sinh dù chưa kịp chiến đấu. Thời điểm đó, một viên thuốc chống sốt rét, một liều thuốc phun diệt muỗi quý như vàng là vậy.
Có lẽ qua thử thách kinh khủng đó, ngành y nước ta đã có bài học kinh nghiệm xương máu không ai có. Và bài học đó vẫn được nhắc nhở, duy trì, truyền lại đến ngày nay.
Hiện trong các nước ASEAN, Việt Nam được thế giới coi như mô hình mẫu trong phòng chống sốt rét tại khu vực. Ngay như Thái Lan, nước này có Viện Nghiên cứu Sốt rét được đánh giá là một trong những Viện nghiên cứu có hạng của Thế giới nhưng dọc biên giới Thái Lan, tỉ lệ mắc sốt rét vẫn cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Tuy nhiên, với những người làm nghề phòng chống dịch sốt rét như chúng tôi thì mối lo chưa bao giờ dứt. Bởi nếu chỉ một chút lơ là trong ý thức phòng chống dịch bệnh này thôi là dịch bệnh sẽ lại bùng phát như quả bóng đang nén căng chỉ chờ dịp là nổ. Vì chúng ta vẫn chưa tìm ra được thuốc diệt tận gốc con ký sinh trùng gây bệnh sốt rét
PV: Phải chăng vì thế mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định “sốt rét đa kháng thuốc - mối lo ngại ngày càng tăng” thưa ông?
TS BS Vũ Quốc Bình: Đây là một nhận định chuẩn xác. Đến nay, thế giới cũng chưa có lời giải hiệu quả cho dịch bệnh này.
Chúng ta đều biết, một trong những thuốc chống sốt rét hiệu quả nhất hiện có là Artemisinin. Tuy nhiên, từ năm 2008 chúng ta đã phát hiện ra kháng artemisinin ở tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nước trong khu vực ASEAN.
Nghĩa là, sau một thời gian, thuốc này dần mất tác dụng trong điều trị. Giờ đây, để điều trị bệnh, bác sĩ không còn dùng đơn thuần mỗi loại thuốc này mà phải kết hợp thuốc đó với những thuốc khác mới giải quyết được vấn đề điều trị.
Điều đó cho thấy, kí sinh trùng sốt rét đã có khả năng kháng thuốc, nhất là khi chúng ta dùng thuốc nửa chừng, không đủ liều, lúc dùng lúc không…
Chưa kể, mầm bệnh, con ký sinh trùng sốt rét cũng có thay đổi, biến hóa khôn lường, nếu không nói là tiến hóa theo thời gian và điều kiện môi trường sống.
Tôi vẫn nhớ, những năm 1960, khi con người bước chân vào vũ trụ, lúc đó, con người tự hào vì thành tích có thể làm bất cứ cái gì. Thời điểm chúng ta nghiên cứu ra kháng sinh tổng hợp, nhiều nhà khoa học từng tuyên bố “kể từ nay trở đi các bạn hãy đóng những cuốn sách liên quan về bệnh truyền nhiễm lại”. Nhưng họ vừa nói dứt lời, HIV là một đại dịch kinh khủng nhất xuất hiện ngay lập tức. Sau đó, các loại chưa từng lây bệnh cho người như SARS, H5N1, Ebola… chưa từng xuất hiện bỗng bùng phát.
Tại Việt Nam, kể từ năm 2008, WHO đã hợp tác với NIMPE và các Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng khu vực tại Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi tình trạng kháng thuốc sốt rét và ngăn chặn kháng thuốc lây lan bằng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng, bao gồm sự phân phối rộng rãi các tấm màn tẩm hóa chất diệt và chống muỗi có tác dụng lâu dài, một biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh sốt rét và đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự lây lan của sốt rét.
WHO cũng đã hỗ trợ Chính phủ xây dựng kế hoạch quốc gia về ngăn chặn kháng Artemisinin, phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn được đưa ra trong Kế hoạch toàn cầu về ngăn chặn kháng artemisinin năm 2011
PV: Xét đến cùng, để khống chế dịch bệnh sốt rét, con người phải có vắc xin phòng bệnh?
TS BS Vũ Quốc Bình: Cần nhắc lại, lịch sử phòng chống rét đã có vài trăm năm nay nhưng chúng ta mới chỉ đẩy lùi tạm thời căn bệnh bằng việc hạn chế nguồn lây lan bệnh là con muỗi truyền bệnh sốt rét qua việc phun thuốc diệt muỗi trong môi trường, nằm màn tẩm hóa chất diệt và chống muỗi... Như vậy, chúng ta mới xử lý được phần nổi của tảng băng chìm.
Như vậy, nếu từng bản thân người dân, từng cơ quan y tế, từng quốc gia có ý thức trong phòng chống dịch bệnh thì vô hình chung dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và khống chế nó. Nhưng chỉ cần một chút lơ là, thiếu ý thức phòng tránh bệnh (nằm màn, bôi thuốc chống muỗi, ăn ở sạch sẽ) hay thiếu đầu tư nguồn lực của các tổ chức, quốc gia (như phát thuốc, vệ sinh môi trường…) thì bệnh sẽ quay lại tức thì vì chưa có cách diệt được nguồn gây bệnh là con ký sinh trùng sốt rét.
Trong lịch sử cuộc chiến của con người chống lại căn bệnh sốt rét quái ác, các nhà khoa học tìm ra bệnh sốt rét và phát hiện ra con ký sinh trùng gây ra bệnh sốt rét đều được trao giải Nobel. Kể từ đó đến bây giờ, thế giới dường như vẫn đang đợi người nào tìm ra vắc xin phòng bệnh này để trao tiếp giải Nobel thứ ba…
PV: Có “cánh cửa nào” mở ra hy vọng cho một Nobel thứ 3 như ông nói?
TS BS Vũ Quốc Bình: Trước đó, đã rất nhiều nhà nghiên cứu tuyên bố mình có vắc xin nhưng áp dụng thành công ở nước này thất bại ở nhóm khác.
Nhưng mới đây, một tạp chí y tế có uy tín trên thế giới có đăng công trình nghiên cứu vắc xin phòng sốt rét mới. Hiện tại, nghiên cứu đó đang thử nghiệm trên người tình nguyện và đạt kỳ vọng đến 99%. Người ta hy vọng, nếu thuận lợi, đến năm 2020 phát triển thành vắc xin.
Tôi hy vọng rằng, nếu chương trình này thành công, con người sẽ có vắc xin phòng chống bệnh sốt rét. Lúc đó, chúng ta sẽ yên tâm hơn.
PV: Trong phỏng vấn, ông nhắc rất nhiều đến chuyện “dập sốt rét mới chỉ tạm thời, ở bề nổi”. Ông có thể “cận cảnh” hơn về vấn đề này nếu chúng ta vô tình “lãng quên” sốt rét hay không?
TS BS Vũ Quốc Bình: Gần đây, tôi từng chứng kiến một bệnh nhân ở Tây Nguyên phải nhập viện với biểu hiện bị sốt cao, đau bụng. Ban đầu, nhân viên y tế tiếp nhận cho bệnh nhân vào Khoa Tiêu hóa. Sau đó, họ chuyển anh ta qua khoa Truyền nhiễm chung chung. Đến khi bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Lúc này, sau khi lấy máu làm xét nghiệm, kết quả cho thấy, kí sinh trùng sốt rét dày đặc lam kính. Cũng là thời điểm lúc bệnh nhân hết phương cứu chữa.
Đó là một thí dụ điển hình cho việc, nếu chúng ta chủ quan cứ nghĩ giờ không còn dịch nữa (dịch sốt rét – PV), ít muỗi rồi mà “lãng quên" nó là vô cùng nguy hiểm.
Hiểu đơn giản, ta đang dìm sốt rét như dùng áp lực nén nó lại nhưng chưa giết tận căn. Khi lực nén yếu đi vì bất kì lí do nào, nó có thể bung ra ngay. Xét đến cùng, sốt rét vẫn là thứ dịch bệnh nguy cơ cao tấn công con người.
-Năm 2016, đã có 216 triệu ca sốt rét ở 91 quốc gia, nhiều hơn 5 triệu ca so với 211 triệu của năm 2015. Điều này đánh dấu số ca mắc trở lại mức của năm 2012.
-Sốt rét vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây nhiều ca tử vong: năm 2016, có 445.000 người đã tử vong vì sốt rét trên toàn cầu, so với ước tính 446.000 ca tử vong vào năm 2015.
-Trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt nhạy cảm với sốt rét và chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này.
Cần thiết phải có các hành động khẩn cấp để đưa cuộc chiến toàn cầu chống sốt rét trở lại đúng hướng. Đó là lý do tại sao WHO kêu gọi đầu tư lớn hơn và mở rộng độ bao phủ của các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả để phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị sốt rét
(Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO)- 2018)
PV: Ông có thể kể câu chuyện về một kí sinh trùng sốt rét mang tên mình – falciparum BINH?
TS BS Vũ Quốc Bình: Năm 1994, ở Đức, một người đàn ông bị nhiễm sốt rét sau khi từ châu Phi trở về. Chương trình nghiên cứu đã tách máu bệnh nhân này, bắt con kí sinh trùng và thuần hóa nó trong môi trường phòng thí nghiệm, cho nó sinh sôi nảy nở không giới hạn. Sau đó, tiến hành nghiên cứu sự tác động của nó cũng như cơ chế của nó tác động vào cơ thể như thế nào. Điều quan trọng nhất là phải nuôi được nó.
Thời gian này, tôi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ về bệnh sốt rét tại Đức nên có điều kiện được tiếp cận chương trình nghiên cứu này. Khi nhiều nghiên cứu sinh khác thử không thành công, đến lượt tôi đến thử nuôi cấy ký sinh trùng này lại thành công vì thế chủng Plasmodium falciparum được phân lập này được gắn thêm chữ BINH – tức ghi nhận người nuôi được nó. Plasmodium falciparum cũng là một trong bốn chủng ký sinh trùng phổ biến sốt rét.
Thành công này đã được Viện Nhiệt đới, đại học Eberhard-Karls Tuebingene, Cộng Hoà Liên Bang Đức ghi nhận. Chủng này hiện nay là một chủng đang được sử dụng nhiều trong nghiên cứu tại đây.
PV: Nhân Ngày Thế giới phòng chống bệnh sốt rét, với tư cách một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có khuyến nghị gì tới người dân không?
TS BS Vũ Quốc Bình: Người dân, đặc biệt là những người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa cần hiểu bệnh sốt rét vẫn như một kẻ thù luôn dình dập xung quanh ta, chỉ cần một chút chủ quan như không nằm màn, không vệ sinh môi trường sống xung quanh sạch sẽ, không phun hóa chất khử muỗi định kỳ thì bệnh có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Còn khi đã vào vùng sốt rét, người dân cần nhận thức phòng bệnh cho chính mình bằng cách bôi thuốc muỗi, uống thuốc phòng. Đó là giải pháp cơ bản bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh. Khi không có muỗi để truyền bệnh, khi không có người mắc bệnh, sốt rét sẽ kết thúc.
TS BS Vũ Quốc Bình là bác sĩ Truyền nhiễm từng công tác tại Bệnh viện 103, Bệnh viện 108, Bệnh viện 354. Ông cũng là Giám đốc Bệnh viện Quân y 354, Phó Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108.
Riêng về sốt rét, ông từng làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về bệnh sốt rét tại CHLB Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện vệ sinh phòng dịch Quân đội, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống sốt rét Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban quản lý Dự án sốt rét Quân y Việt Nam – Australia, Ủy viên ban chỉ đạo Chương trình phòng chống sốt rét Quốc gia. Ông là người có 7 nghiên cứu khoa học về bệnh sốt rét được công bố trên các tạp chí y khoa có uy tín trong nước lẫn quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn TS.BS Vũ Quốc Bình!
K.Thoa - H.Hải/GIADINHMOIBạn đang xem bài viết Đến nay, thế giới vẫn chưa nghiên cứu ra vắc xin ngừa bệnh sốt rét tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].