Đề xuất tăng lương hưu thêm 12,5%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trình bày với Quốc hội khóa XV báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất: Năm 2023 chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).
Đồng thời sẽ tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Tài chính đang được các đại biểu Quốc hội khóa XV thảo luận, sau đó Quốc hội sẽ quyết định có đồng ý với đề xuất này hay không. Nếu Quốc hội thông qua đề xuất này, thì lương hưu sẽ tăng 12,5%.
Mức lương hưu hiện nay là bao nhiêu?
Với người lao động tham gia BHXH bắt buộc:
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Trong đó:
Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng:
- Đối với lao động nam:
+ Đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45% (NLĐ nghỉ hưu năm 2021, đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45%)
+ Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.
Đối với lao động nữ:
- Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%.
- Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.
Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng của cả nam và nữ tối đa là 75%.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Căn cứ Điều 9 khoản II của Nghị định 115/2015 của Chính phủ:
a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu...
Với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện
Công thức tính cũng giống như với người lao động tham gia BHXH bắt buộc.
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Chỉ khác ở mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH: Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ. (Xem chi tiết tại Điều 4 Nghị định 134/2015 của Chính phủ).
V.LinhBạn đang xem bài viết Đề xuất từ 1/7/2023, tăng lương hưu, trợ cấp xã hội thêm 12,5% tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].