Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục 2019 để khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành, chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020.
Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Giáo dục 2019. Trong dự thảo Nghị định có sửa đổi một số nội dung, trong đó có thời gian nghỉ hè của giáo viên.
Cụ thể, dự thảo Nghị định đề xuất:
a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);
b) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
c) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, nghỉ phép hằng năm và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);
d) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học do hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở giáo dục đại học quyết định.
Hiện nay, thời gian nghỉ hè của giáo viên đang được quy định tại nhiều Thông tư.
Với giáo viên mầm non, Theo Thông tư 48/2011/BGDĐT thì thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên mầm non gồm: nghỉ hè và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:
+ Thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);
+ Các ngày nghỉ khác thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động và các quy định hiện hành.
Với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, tại Thông tư 15/2017 TT/BGDDT thì "Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".
Như vậy, thời gian nghỉ hè của giáo viên phổ thông đã rút ngắn từ 2 tháng xuống 8 tuần.
V.LinhBạn đang xem bài viết Rút ngắn thời gian nghỉ hè của giáo viên xuống còn 8 tuần tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].