Bộ Công an mới có dự thảo báo cáo tổng kết và đánh giá tác động của chính sách về căn cước công dân (CCCD). Dự thảo nêu rõ, ngày 01/7/2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đã được chính thức đưa vào vận hành.
Theo Bộ Công an, Luật CCCD hiện nay quy định dữ liệu của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin (họ, tên, năm sinh…). Việc giới hạn trong phạm vi nêu trên sẽ gây khó khăn khi triển khai Đề án 06 của Thủ tướng về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Do đó, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Số CMND cũ, người giám hộ, người được giám hộ, thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam…
Bộ cũng yêu cầu, chỉnh lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân thành Cơ sở dữ liệu căn cước gồm: Thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về Người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 05 năm trở lên); tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).
Cũng theo Bộ Công an, Luật CCCD không quy định cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dân, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi; bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ Căn cước công dân cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 03 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt Nam được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam được sinh ra tại nước ngoài nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 05 năm trở lên).
Ngoài ra, Bộ Công an cũng yêu cầu hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; định danh điện tử; cấp, hủy số định danh của cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan, theo đó bổ sung quy định về: Định danh điện tử (căn cước điện tử) đối với cá nhân để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; Mức độ, giá trị của tài khoản định danh điện tử; Quản lý nhà nước về định danh điện tử…
An AnBạn đang xem bài viết Đề xuất bổ sung dữ liệu ADN, giọng nói vào căn cước công dân gắn chip tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].