Những câu chuyện đau lòng…
Một đại diện Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng chia sẻ câu chuyện trên trong Hội thảo Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - Tiếng nói người trong cuộc.
“Trong một lần tôi phỏng vấn mẹ của cô gái đó, có một câu hỏi mà tôi vô cùng ám ảnh “tôi mất đi rồi, ai sẽ làm mẹ, làm bà cho mẹ con nó”.
Đó là một câu chuyện vô cùng luẩn quẩn và bế tắc, bạn gái đó có hoàn cảnh vô cùng khó khăn và giờ đây phải sống trong nhà bảo trợ xã hội”, vị đại diện này cho biết.
Có thể đánh giá, tỉ lệ phụ nữ người khuyết tật bị xâm hại tình dục hiện nay vô cùng lớn. Đó là một thực trạng nhức nhối và chưa tìm ra được hướng giải quyết triệt để.
Theo khảo sát của Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì 4 người trở thành nạn nhân của kẻ dâm ô. Và tỉ lệ này cao hơn ở những người bị khuyết tật nặng.
Chưa kể, có nhiều người bị hành vi bạo lực tình dục lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm cả hành vi bắt ép quan hệ tình dục mà họ không dám nói với ai.
Điều đáng nói, những nhận thức về người khuyết tật bị bạo lực tình dục chưa được quan tâm và nhìn nhận đúng đắn.
Xã hội mới chỉ nhận diện các hành vi bạo lực tình dục khi các hành vi mang tính cướng ép rõ ràng và liên quan đến chuyện tình dục có yếu tố giao cấu hoặc ép buộc giao cấu.
Đối với các hành vi mang tính lời nói, không trực tiếp nói đến việc ép buộc giao cấu thì người tham gia không nhận diện những hành vi này là bạo lực tình dục.
Đặc biệt, có không ít người chưa rõ nguy cơ bạo lực bạo lực tình dục hoàn toàn có thể bị gây ra bởi một người quen, người thân, người chồng.
Và rơi vào bế tắc…
Không chỉ riêng với phụ nữ bị xâm hại tình dục, ngay những người bị xâm hại không thể chia sẻ với ai, kể cả người trong gia đình. Và hạn chế về pháp lý, thiết chế cũng là phần rào cản giải quyết những vấn đề trên.
“Trước đây, ở TP. HCM, có một bạn gái bị câm điếc bẩm sinh bị hiếp dâm 2 lần. Bé ở với bà đã 80 tuổi. Hai bà cháu lên phường tố cáo nhưng bà già cả, cháu không thể nói nên người ta không nghe. Đến lần thứ 2, bà cháu tố cáo lên quận và được giải quyết.
Thế nhưng, do bé gái giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu nên thông tin cực kỳ hạn chế, bên cơ quan chức năng không thể tìm được bên thứ 3 nào có thể chuyển đổi thông tin chuẩn xác nhất để có thể tìm kẻ hiếp dâm”, đại diện Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng chia sẻ.
Với những vụ việc này, việc tìm kiếm người đồng hành vô cùng khó khăn. Sự kỳ thị, đàm tiếu, phê phán, đánh giá sa lệch có thể khiến nạn nhân e ngại, chùn bước.
Chưa kể, hiều vụ việc bạo hành tình dục buộc khép lại vì hồ sơ không đủ chứng cứ. Những vụ việc này thường ít nhân chứng, công cụ phạm tội ít, thủ đoạn đơn giản… nên công tác thu thập chứng cứ rất khó khăn. Người yếu thế không biết thu thập chứng cứ còn pháp luật thiếu hẳn quy định các chứng cứ về hậu quả tâm lý.
Luật sư Lê Ngọc Luân cho biết: “Khát khao công lý luôn thường trực trong mỗi con người nhưng giải pháp pháp lý lại được khá ít nạn nhân lựa chọn. Thống kê hàng năm cho thấy, số lượng án hình sự và vụ hành chính về mảng này khá khiêm tốn.
Một cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra vài phút, vụ nghiêm trọng lắm cũng không quá vài ngày. Nhưng để đưa sự việc đến ánh sáng công lý phải mất vài tháng, vài năm mới hên xui có được một chút le lói của công lý”.
Theo ý kiến luật sư, những người bị xâm hại thường là người yếu thế và họ không dám phản kháng mạnh mẽ. Trong khi đó, hệ thống pháp luật thiếu và yếu nghiêm trọng về vấn đề này.
“Phần lớn những vụ án được đưa ra ánh sáng, phần lớn lại đến từ mạng xã hội. Ngay là người làm luật nhưng tôi nhận thấy, pháp lý chưa đủ để bảo vệ người bị bạo hành tình dục.
Các khái niệm cơ bản như “giao cấu”, “quấy rối tình dục” không được định nghĩa là khó khăn gốc của mảng hệ thống pháp luật này. Bộ luật hình sự quy định về cuộc bạo lực nghiêm trọng (hiếp dâm, khiêu dâm, dâm ô) còn hàng trăm loại hành vi tấn công tình dục khác không được quy định.
Mảng vi phạm lớn cần xử lý hành chính gần như không có quy định. Chế tài chỉ có xử phạt hành chính có ý nghĩa tượng trưng chứ chế tài không thực sự thoả đáng”, luật sư Luân chia sẻ.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết Đau lòng cô gái khuyết tật phải đẻ con ở chuồng bò tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].